Tìm một con đường, tìm một lối đi

Như mọi sáng nhà tôi sẽ có tiếng gà gáy xen lẫn tiếng tin tức từ chiếc TV cũ. Tôi nghe được rằng các trường đại học tổ chức những buổi thuyết giảng về startup. Tốt thật. Thời tuổi trẻ của tôi, không ai có những bài thuyết giảng định hướng nghề nghiệp. Gần đây, phong trào nở rộ nhất là các khóa về startup  và về làm giàu. Kiếm tiền - làm giàu, chuyện thường ngày ở huyện ấy mà... kể bạn nghe vài hình tượng nhé.

Hình tượng kiếm tiền của ông chủ.
Trong thời gian làm ngân hàng, tôi đã tiếp xúc không ít chủ doanh nghiệp. Người bạn thân nhất của tôi cũng là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Họ là những người đã sinh ra và nuôi dưỡng đứa con "nghiệp đời" của mình trong một thời gian khá dài. Tôi thấy họ lúc ngời tự hào trong mắt,  lúc sầm cau mày nhăn trán, lúc cười rạng rỡ lẫn lúc lắc đầu ngao ngán. Lúc họ nhìn vào tôi và nói "Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ngân hàng". Thời điểm đó, tôi cảm nhận rất rõ cái gọi là thăng trầm, rằng là đời có lên có xuống. Tôi biết rằng đa số các ông chủ đều làm trên 12h một ngày. Họ hiếm có thời gian cho một tách cà phê nhàn rỗi đúng nghĩa nhất là trong giai đoạn 10 năm đầu. Dù họ luôn nỗ lực, đời vẫn là "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Con đường của chủ doanh nghiệp không phải ai cũng đủ dũng, đủ trí và đủ tâm (vững) để đi được. Có người thành công, có người về zero và có người tử nghiệp. Chuyện đó, trên báo là một dòng tin. Nhưng với những người quen họ, là một dòng đời chân thật.

Hình tượng kiếm tiền của kẻ làm thuê.
Một chặng đường dài sự nghiệp làm thuê tôi đã đi qua - 20 năm - gần 1/3 đời người. Tôi làm việc trung bình 10h 1 ngày. Thử thách nào tôi cũng cố rướn qua. Đúng nghĩa là rướn. Các chỉ tiêu kinh doanh như một cái rổ càng ngày càng cao và với chiều cao 1m5 không đổi của mình, tôi đã phải bật nhảy liên tục, rướn toàn thân để đưa quả bóng vào rổ. 

Tất cả công cuộc sự nghiệp của một người đều nằm gọn trong 4 chữ ""No pain, no gain" (Không đau, không kết quả) **. 

Chỉ là... ai rồi cũng muốn biết "Đâu là KPI cuối cùng của đời mình? - Đâu là nơi hạnh phúc của mình hạ cánh'.

Chặng đường sự nghiệp tôi đã bước vào, đã tiến lên như một chiến sĩ và giã từ vũ khí không hề nối tiếc. Có nhiều người hỏi tôi: "Sao lúc chiến thắng, lại đào ngũ?" Ừ nhỉ, tại sao...1 năm với tôi chưa đủ trải nghiệm để tuyên bố điều gì về 20 năm tương lai. Tuy vậy, trong 1 năm không - làm - việc tôi cảm thấy hạnh phúc thực sự. Bạn tôi sau thời gian áp lực quá lớn, stress và chữa bệnh đã từng có ý định nghỉ hưu sớm. Bạn ấy muốn như tôi: được nấu ăn, được tập thể dục, được đọc sách không vội vã, không phải canh giờ. Tôi đã nói với bạn ấy: "Tớ ok, thế nhưng mà, cậu không phải là tớ". Bạn tôi đã nghỉ tạm trong vòng 3 tháng. Kết quả là bạn tôi quay lại đi làm. Đi làm luôn luôn là để kiếm tiền, nhưng sâu xa hơn, không đơn giản chỉ vì tiền. Rằng thì là mỗi người có một chân tính. Với tôi, một chân tính thích thư giãn và ham chơi, tất cả các tế bào trong tôi đều hướng đến KPI này. Kể cả khi tôi làm 10h-12h mỗi ngày đằng đẵng 10 năm thì cũng do tôi muốn chạm đến giờ phút được ngơi nghỉ sớm hơn môt chút, thay vì chờ đến hết tuổi hưu. Thuở 20, tôi vốn nghĩ mục đích của mình là tiền, là "có một ngày nào đó đi shopping không cần suy nghĩ". Đến khi đã 40, các vướng víu đã tạm ổn, tôi đã nhận ra KPI mấu chốt của cuộc đời mình đơn giản là "nhàn hạ và du lịch" (relax và travel). Tiền chỉ là giấy thông hành, là một tấm vé, không hơn không kém.
 
Tôi cho rằng thay vì cổ vũ cho một người trẻ làm giàu, cần hướng họ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Trả lời câu hỏi như "Tôi là ai" và "Tôi muốn gì?" không dễ dàng gì. Cái con trai tôi cũng như các bạn trẻ đang có là thời gian: thời gian để tìm - để thử và ngộ ra. Tuy nhiên càng biết sớm, càng nhanh đến được bến bờ hạnh phúc.

Rồi sẽ đến một ngày, tôi có thể đàn và hát nghêu ngao: "Tôi là ai mà còn khi dấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này..."(**). Và bạn cũng vậy, sẽ đến lúc bạn tìm được một lối đi cho riêng mình. 





 

p/s:

* Trích trong clip Emi Wong

** "Tôi ơi đừng tuyệt vọng?" - Trịnh Công Sơn

Nhận xét