Chuyện mẹ đứa trẻ “khiếm khuyết”


Người mẹ của những đứa trẻ “khiếm khuyết” như tôi có rất nhiều cung bậc cảm xúc tiêu cực. Thường xuyên nhất là cảm giác chán nản một cách tuyệt vọng vì thấy con tôi không thể hòa nhịp được với chung quanh. Hàng xóm nói. Bà con nói. Bạn bè nói. Và những bạn học cùng lớp, cùng trường cũng nói. Mỗi người mỗi cách, tế nhị có, thẳng thừng có và ngây ngô có. Rằng con tôi không bình thường. Tôi có thể gọi tên chính xác là con tôi mắc chứng ADHD.
Tôi đã từng lo lắng rất nhiều vì đường đời hiểm ác mà con tôi như thế làm sao qua nổi khi mà chỉ số EQ quá thấp. Anh ấy làm gì để có cái ăn, cái mặc sau này. Khi tôi khuất núi rồi, anh ấy sẽ ra sao? Bức tranh tang thương quá khiến tôi vừa ngắm vừa cảm thấy thê thảm vô cùng. Tôi đã từng lên gân như Lý Đức tập tạ để gồng gánh trọng trách biến anh ấy thành một người bình thường với đủ sách và đủ cách. Tôi đã từng hy vọng những đứa trẻ khác chấp nhận con tôi, từng ao ước con tôi có bạn thân, bạn sơ, bạn nối khố hay cái gì khác cũng được. Với hy vọng đó, nhiều khi vỡ mộng tôi kiếm một chỗ thật sâu, thật kín để âm thầm nghe nước mắt chảy ngược vào trong.
Nhưng có một sự thật mà trên đời không ai có thể chối cãi được là hoa chỉ có thể thu hút ong vì mật ngọt. Người ta có xu hướng thích chơi với những người thú vị, thông minh, hài hước… Ai cũng vậy. Người khác không thể thay đổi, thế giới chung quanh chẳng khác đi. Giống như bao nhiêu con gà mái mẹ khác, tôi đã có quá nhiều dự tính cho anh ấy. Nhưng dường như đó là giấc mơ của tôi, không phải của anh ấy. Anh ấy không để tâm việc bạn bè chung quanh đang nói gì, nghĩ gì về anh ấy. Vậy tôi tự hỏi có nên gán cho con tôi 02 chữ không bình thường trong khi định nghĩa thế nào là bình thường cũng không thể nói rõ. Ở đâu đó trong cộng đồng ADHD con tôi giống người ta (theo anh Google, tỷ lệ mắc bệnh từ 3-17% tùy quốc gia). Còn ở đây con tôi có thể khác nhóc hàng xóm. Tương tự ai đó mang một cục bướu, một vết nám hay một cục nhọt trên mông thì cũng đủ tạo nên khác biệt. Cho dù khiếm khuyết đó là gì, khiếm khuyết đó dường như không đưa con tôi vào ngõ cụt đến nỗi không thể thưởng thức được cuộc sống tươi đẹp. Cũng không thể khiến con tôi kém cười hơn bất cứ đứa trẻ nào khác.
Đôi khi hoài nghi rằng đâu đó con tôi có thể đang khổ sở vì khiếm khuyết ADHD, tôi hỏi dò anh ấy:
-          Con có thích đi học không? – Dạ có.
-          Ở trường con có bạn không? – Có chứ mommy.
-          Bạn con tên gì?- Nhiều lắm, mommy
-          Con thích nhất bạn nào? Bạn thân của con tên gì? – Con thích tất cả các bạn, mommy
-          Con có buồn khi con chào bạn không chào lại không? – Không mommy.
-          Con có buồn khi không có bạn nào chơi với con không? – Không mommy.
-          Nếu không bạn chơi với con con làm gì? – Con chơi xe, đọc sách, nói chuyện với mommy.
-          Nhưng mommy không phải là bạn con, có bạn khác vui hơn chứ? – Mommy là bạn con. Mommy ok rồi.


 
Phải chăng khiếm khuyết đó mang lại cho con tôi một năng lực vô tư mà người khác không thể có được? Và phải chăng sự đơn giản của anh ấy lại chính là điều mang đến hạnh phúc cho anh ấy? Khi quan sát tôi thấy con tôi vui hàng ngày, dù học không giỏi, giao tiếp chưa thông và cá tính chẳng mấy thú vị. Nhìn lại cuộc đời “hoành tráng” của mình có khi tôi còn kém vui hơn anh ấy. Phải chăng tôi chỉ cần làm một việc là trao yêu thương cho con tôi còn lại hãy để anh ấy từ từ, chậm rãi đi trên con đường của mình.

Nhận xét