Tôi đã từng nghe nhiều người anh, người chị nói " Đến tuổi 40, 41 là cảm nhận ngay sự khác biệt". Một anh chàng to mồm cãi : "Em 39 chưa thấy gì cả?". Mấy thằng anh cười khây khẩy vẻ trải đời: " Cứ đợi đi em, 1 năm nữa thôi, mấy lần chớp mắt là biết ngay". Như thầy bói, vừa qua tuổi 40 chẳng bao ngày, thằng em thấy khác quá.
Điều khác đầu tiên là bụng càng ngày càng bự, mỡ trong đó tích tụ cũng khá Thực ra thì có lẽ nó tích tụ lâu ngày rồi, nhưng chắc vì bị ám thầy bói, nên thằng em thấy sao cái bụng dạo này nó to hơn bình thường nhiều. Vòng 2 tăng lên, mỡ từ loại có thể tan chảy lỏng lẻo biến thành một thứ mỡ chắc nịch. Hay nói cách khác, do mình tập luyện hơi ngược với Lý Đức - Lý Đức ăn nhiều- mình uống nhiều (bia), Lý Đức nâng tạ hàng ngày - mình ôm lavabo hàng đêm (do ói). Hậu quả là Lý Đức 6 múi, mình 1 múi. Cũng có thằng em khác chẳng nhậu nhẹt gì mà vẫn 1 múi. Thì ra nó ăn nhiều như Lý Đức, nhưng mà ngồi lì một chỗ, mông dính vào ghế. Cũng không ai muốn dính vào ghế nhưng không dính lỡ ai cướp mất ghế thì sao, chỗ đâu mà ngồi.
Không biết có phải do tại cái vòng 2 không mà sau đó các thằng em 40 đều bắt đầu những điệp khúc tương tự nhau. Lần lượt từng em ghé thăm bác sĩ - hay còn gọi là đốc tờ. Đến đó vui khiếp. Đông mà lị. Thằng anh đang theo chữa bệnh tâm sự với thằng em, thằng em tâm sự cho thằng em tiếp theo như một phả hệ. Nếu có một nguyên tắc ai bệnh giống nhau xem như anh em ruột chắc cái phả hệ đó dài như quốc lộ Bắc - Nam. Mỗi chàng một bịch thuốc, bắt tay chào nhau ra về. Đến hạn lại lên, lại một bịch thuốc. Ngoài bịch thuốc, đốc tờ còn kê một câu huyết tâm thư :"Cấm tuyệt đối..." Mỗi anh một từ khác nhau; anh thì rượu, anh thì bia, anh thì làm khuya....Uống thuốc không giống bất cứ uống thứ khác. Mỗi lần cầm nó - bóc nó ra khỏi vỏ - bỏ vào miệng và nuốt là mỗi lần cảm thấy mình yếu quá. Đêm đêm lỡ có mơ tự dưng hay diễn giải theo hướng xúi quẩy. Chắc mình sắp ...die quá! Mở mắt ra thấy vợ còn đó, còn tươi. Con còn đó, còn nhỏ. Chép miệng! Thở dài...
Bạn có nghe câu "Trăm dâu đổ đầu tằm". Cuộc đời con người vốn chẳng khác gì con tằm, cứ nhả tơ, nhả tơ. Sáng trưa chiều tối là một chuỗi điệp khúc cắm đầu vào bãi dâu. Một con tằm nhả 20 năm thì còn bao nhiêu tơ? Mắt đã mờ, tay chân đã chậm, cơ miệng cười cũng đã kém duyên. Mướn một thằng 40 tuổi làm việc khác gì mướn một gã não chậm, cổ lại cứng và hay đi toilet. Chi phí nhiều do tốn nước máy, tốn nước bọt (vì nó cãi cứng quá) mà thu lợi chẳng bao nhiêu. Biết thế nên mấy thằng U40 là những con tằm cực khôn ngoan, nó biết nên nhả lúc nào thật nhiều và lúc nào nên ngưng (còn đâu mà nhả) để tồn tại. Vì cái trí khôn ấy nên não nó mệt lắm, stress nhiều lắm. Thằng em nhìn đồng lúa, nó nhìn biển cả ... chỉ mong quay lại thời xa xưa. Cái tuổi thơ nghèo khó thằng em đã cố vùng vẫy, dứt áo ra đi với câu thơ văng vẳng
"Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"
Giờ tận đáy lòng muốn quay lại. Chỉ muốn trở về làm người nông dân nương rẫy, người ngư dân bắt cá, hàng ngày với ruộng vườn, với biển cả. Đây không phải là một trò chơi của những kẻ trọc phú, của những kẻ giàu sang rửng mỡ mà là "lá rụng về cội". Nếu đã là người nông dân, ngư dân thì đi đâu, về đâu cũng sẽ muốn quay lại gốc rễ. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu, tại sao cứ đến một tuổi nào đó, con người lại thích trở về quê hương, trở về khung cảnh thời trẻ trâu. Có người khi ra đi thề không bao giờ trở lại, bỗng nhiên xế chiều, một khoảnh khắc nào đó, họ lại quay trở lại và không thể dứt áo đi được nữa. Cuộc chơi trong thế giới công nghiệp đã vắt kiệt sức lực của người nông - ngư dân, nhưng không bao giờ lấy đi được gốc rễ của họ. Hầu hết các nhà nông, ngay cả đại phú gia, vẫn muốn những đứa con ưu tú của họ thoát khỏi ruộng đồng, trang trại hay biển cả. Con cái của họ sẽ học để trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà kinh tế.... về các ngành khác trừ nông nghiệp. Chỉ có điều tuổi thơ là tiềm thức sâu thẳm không dễ quên. Ở đó, có đồng ruộng bát ngát, có trang trại trải dài thênh thang, có những đêm trăng, có những bạn bè mặc quần lủng đít hồn nhiên... Càng ước mơ, càng thấy xa vời.
Thức giấc của tuổi trung niên vào giữa đêm là một tiếng thở dài vào đêm vô tận. Ngắm nhìn lại những ngày đã qua. Nghĩ đến những ngày sắp tới. Không soi gương cũng thấy bản thân rõ quá. Bài hát nghe thuở tuổi thiếu niên 14-15 trong cái máy cassette cũ đang nhả từng chữ, từng nốt nhạc trong đêm. Dù không mang nỗi bất hạnh bị phụ tình như người nhạc sĩ nọ nhưng vẫn cảm thấy lẻ loi một mình. Phải chăng là vì đời người là một cuộc độc hành trên con đường bất tận? Muốn dừng lại, muốn chấm dứt cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Nhận xét
Đăng nhận xét