Cây ơi!



Từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành, tôi không có thói quen đi chơi, đi dạo hay tập thể dục trong công viên. Đơn giản vì công viên gần nhất cách nhà tôi 7-10km. Đó là một đoạn đường dài với người mẹ tất bật của tôi. Đó là khoảng đường khá tốn thời gian với chiếc xe lọc cọc của tôi. Vả lại, thuở niên thiếu của tôi, công viên vốn tối tăm, dơ bẩn và hầu như bị bỏ xó cho đủ thứ thành phần phức tạp. Công viên trước giờ vốn là một khái niệm xa lạ. Vì lá phổi xanh, vì hơi thở mát và vì muốn đứa con nhỏ rời mắt khỏi vi tính, ipad, tôi bắt đầu tập đến công viên mỗi chiều. Buổi chiều sau một ngày cày bừa, cơ thể tôi cũng giống như một chiếc lá, chỉ muốn rơi xuống thật nhẹ. Cảm giác ghét cay ghét đắng những thứ gọi là công nghệ như máy vi tính, điện thoại, hay bàn làm việc tự dưng đến giờ tan sở là tuôn ra. Tôi đi dạo, đọc sách hay ngắm linh tinh lang tang khung cảnh trong khi đứa con trai nhỏ chạy xe đạp loanh quanh.
Ở giữa công viên là một cái hồ nhân tạo, cũng có vòi nước phun nhưng lâu lắm rồi tôi không thấy nó phun nước nữa. Nước dưới lòng hồ đen xì. Tôi chỉ muốn người ta dời cái hồ đi, trồng thêm những giống cây “cui cui” – loại cây chẳng cần ai chăm, chẳng cần ai bón nó vẫn sống sờ sờ. Tôi hiếm khi đi lại cái hồ nước đó, vì mỗi lần đến đó con tôi lại hỏi sao nước màu đen, sao vòi không phun… Chắc là tại không có tiền nên nước không trong, vòi không phun, tại tiền lo ăn chưa có làm gì lo đến một cảnh sắc cho chúng tôi ngắm hay tại các bác bận lo GDP mà quên cái vòi nước chưa phun. Cái dòng con nít, nói sơ sơ mà hỏi tới tiếp vài câu tại sao nữa là thua nên tôi trả lời gọn là không biết.
Công viên cũng được khoanh lại 2 góc để làm khu kinh doanh trò chơi con nít. Những trò chơi khá thô sơ như xe lửa con con chạy vòng nhỏ nhỏ, những máy bay bé tí con con, một cái nhà hơi, một cái hồ nhỏ để chơi chèo thuyền, khu chơi phức hợp với cầu tuộc xích đu… Con nít chơi khá đông vào các tối weekend nhưng ngày thường thì vắng hoe nhất là vào buổi sáng, buổi chiều.
Chỉ cần rời mắt khỏi cái hồ, góc khu vui chơi đó là tôi có cả một khoảng không rộng lớn với những hàng cây cao. Những bãi đất trống phủ cỏ xanh khá rộng, trên cao rợp bóng cây dầu, cây sao đủ. Người tập thể dục khá đông nhưng họ thích đi ngoài đường rộng gần khu quảng trường. Tôi lại thích dạo trên lối đi nhỏ giữa những hàng cây. Nắng chiếu xiên qua những hàng cây đan xen màu vàng và màu xanh của cỏ trong thật thích mắt. Vào mùa khô hanh, lá dầu rụng đầy kín các lối. Mỗi lần đạp trên đám lá, nghe tiếng tách tách nho nhỏ. Gió hiu hiu thổi những lá khô rơi nhẹ xuống. Gió mạnh thì đám lá bay ào qua đầu. Không nghe tiếng người, tiếng xe cũng xa quá, chỉ có tiếng gió, tiếng cây lao xao thật gần.
Có những lúc mới mua được cuốn sách hay, tôi thong thả ngồi xếp bằng trên ghế đá giữa bãi cỏ đọc một cách khoan khoái. Những cuốn sách hút tôi vào một thế giới rất xa, những trải nghiệm mới mẻ vô cùng. Ở đây, tôi có thể dành trọn cho thú vui này, không bị quấy rầy bởi công việc lặt vặt hàng ngày. Và không hiểu sao, cái cảnh đọc sách ở công viên nó mang lại cảm giác ta đang hưởng thụ cuộc sống như một “đại đại gia”. (Đại gia đọc sách trong biệt thự, còn công viên rộng gấp mấy lần nên được xem là đại đại…). Không ai nhìn, không ai ngó tôi, chỉ mình tôi với cuốn sách nhỏ và "vườn cây" rộng lớn. Còn gì bằng!
Sáng chủ nhật rảnh rỗi gia đình tôi có thể đến đây trải bạt trên bãi cỏ, nằm dài thượt hay ngồi chàng hảng, nhìn mây qua những tán lá rộng, lao xao trên cao. Có khi mỏi mắt, ngủ lúc nào không hay. Rồi ăn uống bánh này, trái nọ, nói chuyện tầm phào trên trời dưới đất. Tôi cũng tập nghe những câu chuyện về xe, về cái khung, gầm, bố thắng… cũng tập nói những chuyện bậy bạ vô thưởng vô phạt. Riết dần rồi, tôi biến thành một “gã” hay tám chuyện vớ vẩn với chồng như chuyện thế giới đánh nhau, chuyện kinh tế suy thoái ở đâu đâu hay là chuyện gái đẹp, chuyện những con chó....
Dù không được chăm sóc gì ghê gớm, công viên vẫn có sức hút đặc biệt. Màu xanh của cây cỏ luôn là màu mơ ước. Cảnh đẹp nhất cũng là cảnh thiên nhiên đang khoe mình qua các mùa. Mùi của cỏ, của đất là loại nước hoa dễ chịu nhất cho cái phổi già nua của tôi. Đó cũng là nơi tôi ngừng nghỉ đợi ngôi nhà bê tông 100m2 bớt bức bí trong những buổi chiều oi ả.
Ước tính dân số thành phố nhỏ nhỏ của tôi có khoảng 1 triệu dân, chưa kể 300 ngàn người dân lao động nhập cư mật độ khoảng 7.000 người/km (số làm tròn). Chúng tôi sống cạnh 5 cụm khu công nghiệp lớn, 5 cụm công nghiệp truyền thống gốm sứ, gạch và gỗ nơi mang lại nguồn thu khá lớn đồng thời cũng thải ra vô số khí, chất thải vào con sông Đồng Nai. Một trong những thành phố công nghiệp điển hình với đủ dạng nhà máy, xí nghiệp bao bọc chung quanh, liền kề với thành phố Biên Hòa nhỏ xíu. Số lượng công viên của thành phố là 3, chỉ cần làm phép so sánh số thì có thể kết luận tôi hít khói nhiều hơn hít khí. Cứ mỗi lần đi ngang một xí nghiệp bị di dời tôi hy vọng một công viên mọc lên. Vài bữa sau, tôi thấy nơi đó quây lại, hình vẽ một tòa nhà plaza hay khu chung cư cao cấp gì đó. Hoặc là xây thêm bệnh viện lớn hơn, hiện đại hơn. Thế là, lại tiếp tục hít khói, hít khí thải hơn là hít khí thở! Tấc đất tấc vàng, đất không thể dành cho cây. Suy cho cùng, người cần nhà ở, plaza, bệnh viện hơn cây cối. Suy cho cùng, có nên chăng khi trồng cho nhiều, chăm sóc mệt rồi lúc lỡ chặt đi bị kiện cáo tùm lum như gương thủ đô Hà nội? Thôi thì, cây ơi, trong khi thải ôxy, đừng kèm tiếng thở dài. Được ngày nào hay ngày đó cây ơi, biết đâu ngày mai ...

Nhận xét