Dấu xưa!

Về Đà Lạt, như một nơi thân quen cũ. Đã có quá nhiều lần đi khắp các điểm du lịch, chẳng còn chỗ nào để tôi đi nữa. Đi dạo mãi trên Đồi Mộng Mơ, đạp xe hoài quanh hồ xuân hương trở nên nhàm chán. Lật ngược lật xuôi tấm bản đồ, tôi chọn một nơi "Biệt thự Trần Lệ Xuân". Tôi chẳng hâm mộ gì người phụ nữ này vì bà cũng chỉ là quý phu nhân bên cạnh đức lang quân nổi tiếng mà thôi. Người phụ nữ này đến nay đã già, thậm chí đã qua đời, thời của bà cũng đã qua đi lâu rồi. 
"Dấu chân xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"
Khi bước chân qua từng viên đá đã được người đàn bà một thời chọn lựa công phu tôi chợt nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Giữa khu vườn mang đậm phong cách Nhật, vẫn còn những viên đá, những bậc đá  và lòng hồ nước hình chữ S của thời bà Nhu. Theo lời kể, bà Nhu là một người đàn bà "ăn chơi", phù phiếm, thâm độc và có sức khuynh đảo chính trường. Tôi lại cho rằng bà Nhu hay bất kỳ phu nhân nào khác của đảng phái tư sản cũng giống nhau mà thôi. Bà đương nhiên phải là tấm phông nền tô điểm cho đức lang quân của mình hay ông anh chồng. Và như các phu nhân khác, bà cũng tạo ra một phong cách thời trang, một kiểu tóc mang tên gọi riêng của mình. Điều khiển 2 người đàn ông chính trị gia sạn sõi không hề đơn giản và dễ dàng. Tô vẽ, điểm trang "sự ghê gớm" cho người phụ nữ ấy chẳng qua cũng là chuyện tầm phào, trà dư tửu hậu. Có điều, người đàn bà đã muốn bước những bước chân trần dạo chơi trong vườn vào lúc khí trời Đà Lạt lạnh âm độ, chắc không phải là một người phù phiếm, càng không giống một người không biết cảm nhận cuộc sống. Dù chưa từng gặp bà, dù chưa từng đọc trang hồi ký, hồi tưởng nào về bà, tôi vẫn cảm nhận được một người đàn bà thông minh, sắc sảo và chỉn chu trong việc chọn lựa từng viên đá cho khu vườn yêu của mình.
Đứng trên cửa sổ biệt thự Lam Ngọc tôi có thể hình dung ra cả một vùng thung lũng thông rộng lớn (dù giờ đã chen chúc nhà dân chẳng còn bao nhiêu thông). Các tòa nhà đều thấp, một trệt một lầu. Nổi bật giữa các tòa nhà đó là ngôi nhà nhiều tầng, nhìn khá hiện đại và hoàn toàn lạ lẫm. Tôi hỏi: "Nhà này cũng thời đó luôn sao em?" Cô hướng dẫn viên chú giải thêm là ngôi nhà nhiều tầng là sau này xây để làm nhà bảo tàng gì đó, không phải nguyên thủy của biệt thự này. Nói một cách nghệ thuật, ngôi nhà này giống như một nét sổ của một tay thợ thêm vào một bức tranh. Tôi tiếc cho bức tranh bà Nhu đã vẽ. Dù không cho rằng đó là một bức tranh hoàn hảo hay kiệt tác kiến trúc gì nhưng cũng là tâm huyết của một con người. Và tiếc rằng tôi cũng không thể nhìn và cảm nhận trọn vẹn một bức tranh lịch sử.

Dạo gần đây, người ta đang bôi trét trên tòa nhà Bưu điện Thành phố lớp sơn quá mới. Cứ y như một bà già tô son trát phấn quá nhiều vậy. Nó khiến người ta lạ lẫm và cảm thấy tiếc nuối nụ cười duyên, từng nếp nhăn đặc trưng trên gương mặt người quen của mình. Tôi cũng chẳng biết lớp sơn nguyên thủy như thế nào, có điều tôi đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần trong năm năm học đại học, chẳng nhìn ngắm gì mấy mà vẫn biết nó ở đó. Vậy mà giờ đây, đi ngang qua, nó tự dưng trở nên chói quá, nổi quá, mắt nhấp nháy liên hồi. Mà tôi lại thích cảm giác đi lang thang quanh đây, mắt lơ đãng qua những viên gạch cũ của nhà thờ Đức Bà, những tường vôi bạc màu của Bưu điện đến những ngọn cây cao tít tắp. Để thấy tâm hồn bình yên, dù thành phố này có vội vã, bon chen đến mấy.

Tôi nhận thấy có những người rất thích in dấu mình bằng cách dặm vá vào quá khứ. Quá khứ có thể không đẹp, không tiện nghi cũng không hoành tráng nhưng người ta lại muốn nhìn thấy nó một cách nguyên bản, và  được nghe tiếng vọng của nó từ rất xưa chứ không phải một kiểu pha chế như ly cocktail.

Nhận xét