Phút khó hiểu của trẻ con!


Sau 7 năm gắn bó với một anh con trai, tôi tạm kết luận về bạn ấy một số đặc tính:
 - Mê chơi, cụ thể là chơi xe, chơi máy vi tính, xem phim ...
 - Không thích ngồi yên đọc sách
 - Thích hành động, không thấy tí mơ màng nào.
Thỉnh thoảng, tình cờ gặp vài người mẹ có con trai cũng được nghe kể sơ sơ một vài điểm giống như con trai tôi. Có lẽ con trai là thế, từ nhỏ, đến lớn, có chăng chỉ trừ số ít dân văn chương bẩm sinh.
Vào ngày hè đầy nắng, gia đình tôi cắm trại trên bờ biển. Tôi nằm dài trên tấm bạt trải trên cát. Đầu gối trên cái phao bơi của con trai, chân gác trên một cành cây cong. Gió biển thổi bay tóc trên trán. Mắt nhìn trời xanh qua tán cây dừa, thấy nắng vừa xanh vừa vàng, đu qua đu lại. Không gì bằng cảnh tượng trời xanh qua kẽ lá, kệ nắng, vẫn ngắm được những đám mây trắng đang tạo hình trên bầu trời. Con trai ngừng chơi, tay cầm ly sữa, ngồi cạnh tôi. Tôi rủ "Nằm xuống đây với mẹ đi!" Miệng còn dính sữa, trả lời tỉnh bơ: "Không, con ngồi ngắm biển tí". Tôi ớ người nhìn gương mặt nghiêm túc ấy một cách ngờ ngợ. Mắt anh đang dõi về biển thật. Không hiểu anh nhìn thấy gì ngoài đó, sóng bạc, thuyền thúng tròn quay hay thuyền có những con mắt đẹp ở đầu mũi. Phải anh chàng hay chơi trò xe lửa mô hình đụng nhau hay đạp xe đạp  qua những cái hố một cách mạnh bạo không ta? Tôi tiếp tục nhìn "trời xanh qua kẽ lá" (trích dẫn trong một bài viết của bạn tôi), vừa nghe tiếng biển rì rào mà tự nghĩ hôm nay chắc là một ngày khác lạ của con trai tôi. Chẳng phải tôi đã cũng đã từng có những ngày "ngớ ngẩn" còn hơn thế.
Vào một buổi tối thứ 6 rãnh rỗi vì ngày mai thứ 7 là ngày "chơi" của con trai, con trai nằm trên salon, đầu gối trên chân tôi. Tay cầm cuốn sách "Cây táo yêu thương", chân duỗi chân co, đọc to từng chữ (mới học lớp 1 thôi mà). Rồi còn cười rúc rích. Cái kiểu cười một mình, thích thú một mình, không mấy quan tâm đến chung quanh, kể cả mẹ. Tò mò tôi dỏng tai nghe. Thì ra là chuyện về một cái cây và một cậu bé chơi với nhau, mỗi trang có mấy chữ thôi à. Cũng không thú vị gì lắm, không biết phần kết có hay không. Ảnh lại cười rúc rích. Tôi nhìn ảnh, thấy một cậu trai không mấy giống thường ngày. Phải chăng đây là giây phút “lầm lạc” của ảnh? Khi mà hằng ngày, tôi phải gọi tên, phải hò reo mãi ảnh mới cầm cuốn truyện một cách miễn cưỡng?
Vào một buổi chiều nọ, trời nắng ráo và mát mẻ. Con trai tôi đợi tôi ở công sở làm nốt vài việc rồi chở về nhà. Xong việc, tự dưng tôi hứng chí hói: “Con thích xem lego train hay là đi chơi công viên?” Hỏi vậy thôi chứ tôi chắc mẩm là chọn trò chơi xem phim trên máy vi tính rồi. Ảnh trả lời như điện xẹt: “Xem trước rồi đi chơi sau”. Á à, ảnh chọn cả hai. Định bụng chọc thử ảnh cho vui: “Chọn 1 thôi?” Ảnh đơ ra một chút, tắt nụ cười. Chắc là đang nghĩ đó mà. Không biết tính toán thiệt hơn thế nào ảnh phán: “Đi chơi công viên”. Giờ thì tới tôi đơ lưỡi vì ngạc nhiên. Thế ra tôi chẳng hiểu ảnh tí nào, hay đây lại là một phút “xuất thần” của ảnh? Không dám hỏi thêm, tôi lẳng lặng thu xếp đi cùng ảnh, đầu vẫn còn ba dấu chấm hỏi.
Chiều nào tôi cũng đón và chở con trai đi về chỗ làm rồi sau đó về nhà. Lên xe, anh chàng bật đĩa nhạc Trịnh có sẵn trong CD. Có lẽ là thói quen nghe cho đỡ buồn tai trong khi tôi không thể trò chuyện trong khi lái xe. Đến nơi rồi, khi tôi ngừng lại, con trai nói: "Mẹ ơi, ngồi nghe thêm 1 bài nữa mẹ nhé!". Ảnh ngồi nghe trọn bản nhạc, miệng lẩm nhẩm, mắt nhìn ra xa. Cảm giác lắng lại, tôi nghe cùng con trai, nhớ mình ngày xưa. Lúc đó tôi có rất nhiều thời gian, không như con trai tôi bây giờ, chỉ xin 5 phút cho một bản nhạc.
Tôi vốn hình dung ra trẻ thơ là những cuốn truyện tranh, dễ hiểu dễ đọc. Quen giải mã con trẻ bằng hằng số, con trai tôi bất chợt làm tôi nghĩ có lẽ tôi không hiểu lắm con mình. Tôi đã từng đọc cuốn sách "Trẻ thơ trong gia đình", đọc chữ mà không thấm, hiểu mà không tin. Giờ mới thấy, mới tin. Thế giới trẻ thơ cũng phức tạp chẳng kém gì người lớn. Như một tờ giấy trắng, vì chưa có chữ nên không biết phải đọc thế nào. Những người mẹ "đầy tự tin" như tôi chắc phải còn một chặng đường dài để đi đến trái tim con trẻ.

Nhận xét