Quay cóp!

Ở trời Tây, Mỹ, Phi thì tôi không biết thế nào nhưng riêng ở Việt nam thì chuyện đó bình thường lắm. Đồng hành với thi cử thì có quay cóp. Kiểu quay cóp thì không nên bàn tới vì qua nhiều thế hệ đã đa dạng lắm rồi, từ thô sơ đến tinh vi, từ công nghệ thấp đến công nghệ cao, tùy vùng miền, tùy lứa tuổi... Tóm lại, đó là một đề tài không ai kham nổi dù có là Ph.D đi chăng nữa.
 Tình cờ trao đổi về chuyện phạt quay cóp của một trường nọ, tôi tiện đưa ra câu hỏi:
"Thật ra việc quay cóp quá phổ biến". Cô gật gật đầu. "Vì vậy nếu phạt nặng thế này có ổn không cô?'
Cô giáo nói với tôi: "Đối với chương trình nước ngoài, quay cóp là điều không thể chấp nhận."
"Điều không thể chấp nhận". Sao mà nặng nề đến thế nhỉ? Sao mà khó khăn đến vậy?
 Đơn giản mà nói, quay cóp đồng nghĩa với không trung thực, có nghĩa là một cách có chủ đích, lừa người chấm bài, lừa giáo viên và nếu như có bằng cấp thì lừa nơi tuyển dụng. Có lẽ người nước ngoài cảm thấy điều đó trầm trọng vì họ vốn không quen với cảm giác bị lừa dối. Họ muốn học sinh của họ phải nói không với lừa dối, với không trung thực.

Thế còn tôi, tôi thật tình quá quen với sự lừa dối. Từ khi tôi có trí khôn, tôi đã từng thấy bạn bè tôi và kể cả tôi giả ốm để  nghỉ học, thay vì đơn giản nói rằng: "Thưa mẹ con chán học quá, mẹ cho con nghỉ 1 ngày". Không phải vì không muốn nói thế với mẹ mà vì biết chắc sẽ không được duyệt. Hoặc giả như tôi lười không muốn học thể dục vì hồi đó tôi vốn quan niệm, thể dục là môn "tay chân hạ đẳng" trong khi tôi thích môn "trí tuệ cao vời". Tôi sẽ xin nghỉ giờ thể dục với lý do tôi bệnh, tôi mệt tim mặc dù tim tôi có thể khỏe như tim bò. Hay đơn giản như một đứa bé bị bắt phải xin lỗi cô giáo vì trót nói thật là con không thích cô.

Cái chuyện hàng ngày ấy diễn ra như cơm bữa, từ xin nghỉ buổi học nhàm chán, đến chuyện nói dối để chống chế cho một lý do nào đó, như đến trễ, như cho bạn leo cây... Khi có người yêu thì cái sự dối trá càng lên đến đỉnh điểm khi con gái đa số cứ phải vờ là người thùy mị, hiền dịu. Không hiểu tại sao người ta vẫn thích được nghe lời nói dối đó.

Đến khi đi làm lại khác, sự nói dối không còn là vô hại mà có chủ đích. Tôi thấy người ta buôn chuyện với nhau về người này, người khác bằng những tin đồn (dù có thật hay thậm chí không có thật). Hoặc biện minh cho mình bằng cách đẩy lỗi qua người khác. Thực tình, đó là chuyện không hiếm thấy. Mà vẫn có những người sếp thích được nghe những người đó. Có khi không biết, có khi biết nhưng người được nói dối hiếm khi vạch trần sự thật. 

Bởi vì quá quen, nên thú thật cái tội lỗi quay cóp ấy chẳng có nghĩa lý gì to tát với tôi . Thực ra thì cũng khó lòng phạt nặng trẻ em vì có khi "há miệng mắc quai". Khi giáo viên quay cóp thì phải làm sao? Khi bố mẹ đã từng dối con, dối nhau thì phải làm sao? Đúng là khó thật. Lỡ đâu chúng biết thì ...? Mà không phạt thì cũng không được. Vậy thì làm sao đây? Dù thích ăn thịt ba rọi, phản xạ tự nhiên của một đứa trẻ không chấp nhận kiểu nửa nạc nửa mỡ. Và đúng như lời cô giáo nói, hoặc "Không thể chấp nhận" hoặc như thiên hạ nói "Đời mà, bình thường thôi". 

Ước gì tôi có thể nói thật với đứa trẻ sự thật rằng:
"Con không được gian dối vì con là trẻ con. Còn người lớn thì phải gian dối để sinh tồn. Và nếu mai này lỡ đời bắt con thấy người lớn nói dối, đừng vội sốc mà hãy tha thứ. Đời vốn là cục thịt ba rọi mà con"




Nhận xét