Thuở còn là sinh viên, bạn tôi có
phiên dịch cho một dự án thoát nước đô thị do tổ chức Pháp tài trợ. Thành phố
càng lớn thì ngập càng nhiều. Người mà bạn tôi phiên dịch là một ông mắt to mũi
lõ, chính hiệu Tây, chính hiệu dân trí thức với bằng cấp chuyên môn đầy đủ. Ông
trực tiếp đi cùng đội thi công cống rãnh thành phố. Những người lao công bậc thấp
của đất nước tôi mới làm nghề móc cống – nói cho sang là “nhân viên vệ sinh
thành phố”. Khi khai thông một số cống
rãnh xong, ông nói với bạn tôi: “Anh này làm rất tốt” một cách trân trọng. Chỉ là một người công nhân không trình độ,
làm nghề được xem là “thấp hèn”. Nghe
xong câu chuyện, lúc đó tôi khá ngạc nhiên. Tuổi đôi mươi tôi chỉ mơ ước được
ngồi văn phòng, được làm ở nơi mát lạnh và trên hết được xem là dân trí thức. Một người móc cống cũng được dân Tây coi trọng
ư? Lúc đó, tôi mơ mơ hồ hồ chưa hiểu lý do tại sao.
Một người bạn tôi tốt nghiệp đại
học Tài chính kế toán, hệ chính quy. Không tiền, không thân thế, không cả tiếng
Anh lẫn tiếng U, bạn tôi vất vả mới xin vào một công ty tư nhân sản xuất gỗ.
Chưa kịp đụng vào bàn phím máy tính, ông chủ bảo “ Xuống kho đếm cây!”. Bạn tôi
lóc cóc làm nghề đếm cây, an ủi rằng kể ra cũng đúng chuyên môn chán (có dính tới
số má). Một thời gian, bạn tôi lại được “Xuống kiểm vật tư!”. Nói là thủ kho
cho oai, chứ thật ra bạn tôi cũng tầm tầm như anh công nhân gỗ vì cũng phải
mang vác y chang. Chắc vì sợ thất nghiệp,
sợ không có cơm ăn nên bạn tôi vẫn đếm, vẫn kiểm và kiêm luôn khuôn vác dù cái
bằng của bạn chẳng ăn nhập gì. Chẳng hiểu thế nào, một ngày đẹp trời, ông chủ bảo
“Lên làm chứng từ!”. Lần đầu tiên nghe từ “lên” bạn tôi còn giật mình sợ nhầm.
Tôi không có dịp hỏi người móc cống
thuở xưa giờ đang làm gì? Có trở nên giàu có hay thành đạt? Hay anh vẫn nguyên
vẹn là người công nhân móc cống đáng kính trọng? Còn bạn tôi, tôi biết người đó
địa vị đã khác xa thuở “xuống” và “xuống”. Bây giờ anh “lên” và “lên”. Nhưng có điều
không bao giờ thay đổi, anh vẫn làm việc như cái thuở ấy, như thể “xuống” hay “lên”
chẳng có gì khác nhau. Vẫn nụ cười hiền, vẫn gật đầu nhẹ nhàng, anh làm không nề
hà, không than vãn.
Tôi kể ra đây 2 mẩu chuyện nhỏ, về
hai cách nhìn, một của dân trí thức thực sự, một của một ông chủ. Họ có thể khác nhau về xuất thân, về trình độ
nhưng họ đều có một điểm chung duy nhất: “coi trọng giá trị sử dụng”, nói theo kiểu ruột ngực là ai sử dụng được thì sẽ được xem trọng.
Thường người làm công ăn lương (tên dân dã gọi là "cu li") mong công
việc tốt, thu nhập khá. Có người khéo léo, có người vụng về để lộ tính toán của bản thân mình. Trớ trêu thay, cuộc đời cứ sắp sẵn cho họ toàn chông gai, cụ thể
là công việc làm nhiều, thu nhập tầm tầm. Cái công việc “trong mơ” ấy có lẽ còn
treo lơ lửng trên một cái cây thần kỳ nào đó chưa thấy trong khi hàng ngày cứ phải gặm trái đắng
hoài. Thế thì cũng phải tìm cách gặm trái đắng thôi.
Người biến trái đắng thành quả ngọt
như hai mẩu chuyện trên không nhiều.
Người biến trái đắng thành một quả
chát (bớt đắng hơn chút) thường là tìm mọi cách làm việc nhẹ nhàng hơn, ít thời gian hơn, hay nhàn
nhã hơn bằng cách làm bớt nhiệt tình, bớt tích cực… Họ tự nhủ, khi nào lương
cao hơn, chính sách tốt hơn và nhiều thứ hơn nữa thì ta sẽ khác. Có điều, những
cái “hơn” đó hiếm khi nào rơi trúng họ. Cuộc đời cứ như một trò chơi trốn tìm với
họ trong đó ông chủ luôn là chủ cuộc chơi. Với ông chủ, lợi ích luôn là ánh sao
sáng trên trời cao chỉ dẫn cho họ chọn đường, chọn người.
Có rất nhiều kỹ năng người "cu li" cần học.
Có rất nhiều kiến thức người "cu li" cần có để trở nên thành đạt trong thế giới “cu li”. Có điều những gì bạn học, những gì bạn biết có mang lại lợi
ích cho một ai đó không? Nếu một ngày nào đó, “cu li” không thành đạt, không lương cao hay tệ hơn bị sút ra đường phố,
đừng vội trách ai. Chỉ cần nhìn thật kỹ bản thân để tìm đúng nơi mình có thể tạo
ra lợi ích cho họ. Đừng khóc than làm gì vì chẳng ai thích nghe tiếng rên rỉ. Cũng
đừng mang vẻ mặt rầu rĩ vì đời này chẳng ai thích chuyện buồn. Thôi thì về ngồi trong phòng ấm, nghe một bài hát rất buồn, rất thấm để quên đi ngày cũ, vì "đường về ngày mai xa lắm".
Nhận xét
Đăng nhận xét