Gần đây, các công ty thường tổ chức team building cho nhân viên thay vì cho đi nghỉ mát, du lịch thuần túy... Định nghĩa từ "team building" thì hầu như ai cũng biết. Bởi vì đơn giản nó ghép từ hai từ dịch ra là "đồng đội" và "xây dựng", có nghĩa là "tạo dựng tinh thần đồng đội". Tôi hiểu một cách nôm na như vậy. Có rất nhiều kiểu tổ chức "team building" mà tôi đã từng chứng kiến.
Kiểu thứ nhất, đưa nhau đến một nơi có sóng, có gió, có biển và sau đó vào hội trường nghe một bài giảng thật hay, thật sống động về team building. Trong bài giảng đó, có tất cả các kỹ năng bạn cần để trở thành một người "có tinh thần làm việc nhóm". Đương nhiên, nếu không có kỹ năng thì làm sao có thể thành hiện thực. Cả đoàn vỗ tay rào rào, rồi tiện thể đưa tay lên miệng che lại. Vì giữa cái nắng, giữa cái gió và giữa tiếng sóng biển rì rào, cái kỹ năng a,b,c nào đó cứ trôi tuồn tuột khỏi đầu bạn. Kết thúc cuộc họp hoành tráng, các bạn được tắm biển và hình như nước biển cuốn trôi cái mớ bài giảng ấy rồi. Đấy là kiểu "team thuyết".
Kiểu thứ 2, cũng vào một ngày đẹp trời, cũng có sóng, gió và biển, đoàn người ra bãi biển để tìm "team". Thực ra đó là cuộc đấu thì đúng hơn. Các đội thi đấu với nhau để dành phần thưởng nào đó, và để dành một danh hiệu nào đó. Các sếp không rõ thế nào lại ngồi dưới những gốc cây mát mẻ, nhìn đám lâu la của mình đang tranh đua với nhau. Không rõ các sếp thuộc "team" nào, hay chẳng thuộc đội nào. Tuy nhiên có lẽ chính vì có sếp, các đội hăng tiết vịt chứng tỏ nên cuộc thi đấu càng gây cấn, hấp dẫn. Đấy là kiểu "team đấu".
Kiểu thứ 3, những người đến với team building vì bị buộc phải tham
gia. Vì đó là một chủ trương, chỉ đạo hay là một cái gì đó tương tự như
là một mệnh lệnh. Trong tâm thế đó, team building chẳng qua là một trò
diễn và họ là diễn viên bất đắc dĩ. Vì thế, họ luẩn quẩn một lát rồi rời
bỏ cuộc team để đi tìm một cuộc "team mới" thường là những cuộc nhậu,
chơi bài. Trong cuộc team mới đó, họ thật sự là những người có đủ nhiệt
tình, đủ năng lực của một team builder chính hiệu. Bạn sẽ tự hỏi: Tại
sao không có team nhậu? hay team bài? Mà điều đó có gì khác với các cuộc
team kia đâu về mặt ý nghĩa. Đấy là kiểu "team loạn".
Kiểu thứ 4, khung cảnh không thay đổi, con người không thay đổi. Chỉ khác là cái đám
đi tìm team này thực chất chỉ là những đứa trẻ ham chơi và muốn được
chơi. Ngày thường, trong bốn bức tường bê tông, đám ấy vẫn
thường "móc lò" nhau, nói xấu nhau, giành nhau cái tốt,
đẩy nhau cái khổ... nói chung là chơi trò cá nhân một cách thô
thiển. Bỗng tự nhiên, ra tới đây, giữa khung cảnh này, cảm thấy có cái
quái gì đâu mà tranh nhau mấy cái giải thưởng nhỏ tí ti. Chơi cho đã đi
đã. Và thật, chơi như chưa từng được chơi. Cả sếp cũng thấy nhạt nhẽo
nếu ngồi dưới gốc cây mát mà nhìn chúng nó chơi, trong khi mình không
được chơi. Cứ y như hồi nhỏ, mình bị tẩy chay vậy. Thế là sếp nhào lại,
chơi luôn. Đấy là kiểu "team chơi".
Thực ra, dù gán cho nó cái tên gì thì nó cũng là cuộc chơi mà thôi. Có thể chọn cách chơi này, hay cách chơi khác. Tuy nhiên người ta có thói quen gắn mác lớn lao cho nó đến nỗi người tham gia cảm thấy quá nhiều gánh nặng. Mỗi lần có một kỳ nghỉ mang tên "team building" tôi thực sự cảm thấy e ngại với cái khái niệm ấy. Một vài cuộc chơi làm sao có thể tạo nên một "team" - có chăng chỉ là quảng cáo của các công ty du lịch. Có lẽ có một thông điệp dễ hiểu hơn, rằng nếu các bạn đã làm cùng nhau, thì hãy thử chơi cùng nhau xem thế nào? Nếu vui, thì hãy làm tiếp cùng nhau để còn được chơi cùng nhau.
Nhận xét
Đăng nhận xét