Nếu như có một dịp nào đó rảnh rỗi, tôi sẽ tập hợp lại tất cả các trang báo đang bàn về giáo dục. Có lẽ là những ngày bận rộn nhất đời tôi vì quá nhiều thứ để ghi, để chép hay đơn giản để lưu vào một folder có cái tên "Giáo dục Việt Nam". Và vì là một người bình thường, một phụ huynh cũng bình thường nên tôi bỏ hẳn ý định đó.
Nếu có dịp nào đó đọc hết các trang báo viết về giáo dục, hay chỉ đọc tiêu đề, điểm nhấn của bài báo đó tôi sẽ có cảm giác như mình vừa đi lạc vào khu rừng sâu. Mọi ngả đường đều rẽ đều sẽ chỉ tôi đến một đích đến mơ hồ đến nỗi không rõ mình có tiếp tục đi lạc vào một khu rừng khác hay không? Tóm lại, sẽ loay hoay đến chóng mặt vì suy nghĩ, chọn lựa đến nỗi tôi sẽ chỉ muốn ngồi xuống ngay tại gốc cây mình đang đứng và ngủ để quên.
Nếu có dịp nào đó tham khảo các phương pháp giáo dục hay quảng cáo của các trường, từ "kỹ năng" có lẽ là từ được đề cập, gọi tên nhiều nhất. Mà thú thật, tôi chẳng biết con tôi sẽ được dạy kỹ năng gì đến nỗi tôi hoang mang không biết cái mỹ từ ấy có tồn tại trên thực tế. Và nếu tôi có dại thắc mắc thì các thầy cô giáo sẽ nói rằng đó là chuyên môn của họ.
Ai cũng biết dạo này các gia đình thường có 1,2 con theo chính sách hạn chế tăng dân số. Chính vì thế sự quan tâm dành cho các cậu ấm, cô chiêu cũng nhiều hơn cách đây 10 năm,20 năm. Vì thế cứ nói đến giáo dục thì chắc chắn sẽ được quan tâm. Đó là đề tài nóng. Chẳng thế mà nhiều người bạn của tôi nghĩ mình nên cho con học trường quốc tế để nâng cao kỹ năng này nọ. Để có tí tiếng Anh thì sẽ tự tin hơn trong giao tiếp. Để tiếp xúc với người nước ngoài thì sẽ giống người "ngoài nước"...
Cho đến nhiều ngày,
Cho đến nhiều tháng,
Tôi nhìn, tôi ngắm đứa con trai yêu dấu.
Và tự nhiên tôi thắc mắc. Không hiểu làm sao vì vào một ngôi trường A,B,C nào đó thì tự dưng con tôi sẽ trở thành một người thế này, thế kia. Sao giống như một câu chuyện cổ tích với Bụt hiện nay và hỏi "Vì sao con khóc?" "Dạ, vì con thiếu kỹ năng....". Bụt cười hiền từ đáp: "Ta sẽ cho con nhiều kỹ năng hơn nữa nếu con vào trường...". Có lẽ trường đó là trường của Bụt. Thì ra, dù già, tôi vẫn còn tin vào chuyện cổ tích. Hay như một lời hứa vào ngày khai giảng trên sân trường "Nhà trường đổi mới phương pháp giáo dục để đào tạo các em trở thành những học sinh trở thành trò giỏi, con ngoan và có kỹ năng...?" Không rõ bao năm nay trường dùng cái phương pháp giáo dục gì mà sau năm nay đổi mới, con cái tôi sẽ có kỹ năng này nọ. Mà đã bao năm đổi mới rồi, chưa rõ các em đã đạt đến trình độ thượng thừa kỹ năng chưa?
Nhìn hoài, thì thấy con tôi vẫn là con tôi thôi
Tôi kể một câu chuyện có thật. Khi quên quần áo bơi cậu bé vẫn vô tư nói : "Mẹ quên đem đồ bơi cho con?" Mẹ hỏi lại: "Thế ai học bơi?" "Dạ, con". " Nếu con học bơi đó là việc của con, hay của mẹ ?" "Dạ của con". "Vậy tại sao lại nói vì mẹ quên, phải nói vì con quên chứ". Cu cậu gật gật đầu ra ý hiểu. Trong sổ liên lạc mẹ lập tức thấy dòng chữ" "Phụ huynh mang đồ bơi cho bé". Nếu đứa bé đã đọc sổ liên lạc này, chắc hẳn nghĩ rằng đó là việc của mẹ. Chuyện thật nhỏ, nhưng mà nên hiểu sao đây ta?
Từ câu chuyện đó, tôi từ bỏ cái ý định mơ mộng về một ông Bụt với vài ba kỹ năng nào đó. Trước khi cần kỹ năng nào đó, con tôi cần nhân cách tốt. Tôi muốn nhìn vào mắt con để thấy một tâm hồn đẹp trước khi nhìn thấy mấy chục cái kỹ năng vây quanh. Và tôi cho rằng nhân cách đó phải do gia đình tạo dựng cho con trẻ từ thuở còn thơ cho đến khi lớn. Dù lầm rầm rủa cái cơ chế học thêm, dù ầm ĩ vì việc thiên vị của thầy cô giáo nhưng các phụ huynh đều hầu hết thỏa hiệp bằng cách buộc con mình phải lao vào đó. Vì con mình có thể đường hoàng lên lĩnh thưởng vào cuối năm, dù cái phần thưởng đó chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Đó là một sự mâu thuẫn phức tạp của người lớn mà con trẻ vì thế cứ phải long đong lận đận. Và sau đó, lúc gặp nhau hay trên báo cứ tha hồ "tung chưởng". Nhưng mà nói thì cứ nói, còn làm thì cứ làm, nói và làm đôi khi cứ song song với nhau. Nếu là một đứa trẻ, tôi sẽ nghĩ gì? Chắc là tôi sẽ ít suy nghĩ mà mong muốn hô biến cái mớ phức tạp đó, cả ở trường lẫn ở nhà.Quên đi những lời giáo sư A hay B, quên đi những giải pháp của các cán bộ cấp cao và quên đi tất cả những trang quảng cáo để trở về với thực tại. Đó là
tại ngôi nhà của tôi, con trai tôi và trường học do tôi làm thầy giáo chính.
Nhận xét
Đăng nhận xét