Nhà quê!



Trò chuyện với người bạn bên Mỹ. Bạn nói cho tôi nghe sơ sơ về bạn sẽ tính đi đâu vào những ngày hè. Khi thấy tôi hỏi toàn những câu ngớ ngẩn như “Tắm biển ở Cali đã lắm hả?” Bạn đã cười nhạo tôi: “ Nước ở đó lạnh, đâu ai tắm ở đó, tắm ở Florida”… Thêm một vài câu hỏi nữa mà tôi thấy không nên nói ra vì chút sĩ diện. Cô bạn tôi đã đi nhiều nước, chỗ này chỗ kia từ Á đến Âu, từ Âu đến Mỹ… trong khi tôi vẫn nguyên vẹn là “công dân Việt” thứ thiệt chỉ chuyên xài “hàng du lịch Việt”. Tôi nhà quê và cũng chưa có ý định làm hộ chiếu. Có nghĩa là trong năm nay chắc là tôi sẽ vẫn nhà quê thế. Nếu bạn tôi có đọc những dòng này thì cũng đừng nhầm là tôi đang tâng bốc bạn ấy. Tôi vốn không có thói quen hạ mình xuống để nâng người khác lên.


Cách đây hơn 20 năm, khi tôi vừa vào cổng trường cấp 3. Mẹ tôi đã cố gắng bằng cách này cách khác để đưa anh trai tôi đi Mỹ và tất nhiên sau đó sẽ đến tôi. Trong suy nghĩ của bà, đó là miền đất hứa. Chẳng hiểu từ đâu và tại sao, tôi lại nghĩ nơi đó đầy cực khổ, mệt mỏi chán chường đến mức người Việt chỉ là kẻ sống nhờ, sống tạm. Có lẽ do tôi đã đọc một vài quyển sách nào đó kể về cuộc sống cùng cực của người Việt tại đất Mỹ. Cũng bằng cách này các khác, tôi từ chối miền đất đó. Một cách âm thầm lặng lẽ, tôi và bà dằng co đến 10 năm sau đó khi tôi đã tốt nghiệp đại học, ra trường và đi làm. Đến khi tôi từ chối một mối hôn nhân để đi nước ngoài thì bà cũng mệt mỏi và mặc kệ tôi.  


“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ tôi thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông…”

Dù có rất thích giai điệu ngọt ngào tha thiết cùng với những ca từ đẹp đẽ đó nhưng thực lòng đó không phải là lý do chính tôi chọn giải pháp ở lại đất nước của tôi. Một cách đầy lý trí, tôi nhận ra rằng những người giàu có tại đất Việt, và/ hoặc người đầy bằng cấp, công việc và địa vị tốt đều trở thành những “cu li” bậc thấp tại nước Mỹ/ nước ngoài. Khối tài sản tiền tỷ tại VN nếu quy đổi ra đồng USD thì cũng chẳng phải to tát gì lắm. Và với vốn tiếng Anh nghèo nàn, tất nhiên họ cũng chẳng thể kinh doanh được gì. Bằng cấp VN thì tệ hơn, đa phần không được qui đổi thành cái bằng nào đó. Và vì thế, họ trở thành những người thợ nail, những người công nhân mà ước mơ đổi đời, để đạt tới tầng lớp trung lưu không phải mấy ai làm được. Nhìn là thấy, tôi dường như thấy họ chẳng được gì ngoài hy vọng cho con cái một tương lai tươi sáng hơn. 
Tôi thế là vẫn chưa đặt chân đến đất Mỹ vì chọn giải pháp an toàn, dễ dàng cho mình. Đường càng dễ thì đi càng nhanh. Huống hồ gì ở đây, tôi có người thân, bạn bè, kỷ niệm… sao lại rời bỏ đi. 
Dạo gần đây, khi có tuổi tôi bỗng hoài nghi sự lựa chọn của mình. Khi mà đã hơn 10 năm tôi làm việc mệt mỏi, dù là dân trí thức, có chút ít địa vị nào đó nhưng ngẫm đi rồi ngẫm lại cũng chỉ là thằng cu li mà thôi. 
Chiều một mình qua phố, tôi chợt thấy bên đường quán nhậu, café mọc lên như nấm. Đàn ông, đàn bà chén 2 chén 3 vui đùa thoải mái. Ới nhau một cái là đã thấy ngoài quán café, quán nhậu.  Thừa mứa nơi giải trí, thừa mứa rượu thịt, đất nước tôi nhậu nhất nhì thế giới. Chẳng biết tự bao giờ, có người còn nghĩ không nhậu được thì làm sao thăng tiến? Nhậu còn là một cách để thể hiện “đẳng cấp”.
Nếu chiều không qua phố, mà trưa loanh quanh đâu đó. Tôi đọc được và thậm chí nghe được tâm sự của những người coi ngoại tình là một chiến tích, hay là hương vị thêm nếm cho cuộc sống hôn nhân buồn tẻ của họ.  Mà có khó gì đâu để ngoại tình? Người vợ như chúng tôi nên tập nghĩ rằng đó là những giây phút lỡ lầm của đàn ông, có gì đâu mà to chuyện. Cũng nên chuẩn bị cho mình một kịch bản hay để cuộc đời mình và con mình sẽ sáng sủa hơn trong một kết thúc có hậu (nếu còn có ngày đó). Mà đấy là phòng xa thôi, chứ họ đâu cần phải đạp đi gia đình nuôi họ tuổi già vì họ có phải từ bỏ bất cứ thú vui nào đâu.
Nhưng mà không trưa, không chiều buồn thì bữa ăn hàng ngày, không khí từng giây cũng sẽ sớm đưa tôi về cõi vĩnh hằng vì ngộ độc thực phẩm và ô nhiễm mà thôi. Hay không chết vì thức ăn, không khí thì cũng vì stress khi dạy con sao mà khó thế.  Tôi ít khi thích đổ lỗi cho người khác, nhất là con trẻ. Con tôi thật khó xử khi mẹ vừa dạy rằng xã hội văn minh thì không được vứt rác, vượt đèn đỏ… thì vèo vèo có người vứt rác qua cánh cửa xe, thì vù vù, có một vài người vượt đèn đỏ khi không thấy công an. Mẹ em vừa hô lên rằng xã hội công bằng thì cô em sẽ đì em đến sói trán nếu không đi học thêm. Thực ra em chẳng phải không thích cô,  hay vì cô dạy dở mà vì em chẳng muốn học đến mắt cận, lưng gù mà chỉ muốn chơi ít thời gian còn lại thôi hà. Và câu chuyện khó xử em sẽ còn phải gặp hoài trên đường, ở trường, hay nơi làm việc. Mẹ em chỉ biết âm thầm ngẩng mặt lên Chúa và cầu nguyện cho em may mắn để thành nhân, và biết sống để được bình an. Mẹ em nào dám mong điều gì hơn khi bản thân còn thấy loay hoay không biết làm sao với cái mớ bòng bong đó.
Sẽ có nhiều người nếu chẳng may đọc bài này lên án tôi bôi bác. Xin đừng vì các chuyện a, b,c đó mà kết luận một cách ầm ĩ rằng người Việt xấu xí.  Câu chuyện xã hội Việt không phải là văn hóa người Việt, càng không phải là tính cách Việt. Tôi chẳng  phải là giáo sư để giải thích hay biện minh cho điều gì, chỉ đơn thuần kể về một vài điều đã làm tôi thay đổi đến muốn “tung cánh chim tìm về tổ… khác”. Sẽ có người bảo “Đi đi rồi sẽ biết tay nhau ngay”. Nhưng mà dù có “biết tay” thì cũng một lần hiểu “tay này" khác “tay kia" thế nào. Ở nước tôi có một câu rất hay “Đừng chết vì thiếu hiểu biết”. Tôi cũng nghĩ vậy dù rằng có thể sau đó “hiểu biết xong cũng sẽ chết”.




Nhận xét