Ngôi trường tuổi thơ (2)

Khi đoạt giải kỳ thi tuyển vào lớp chuyên năm lớp 5 cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho "thiên anh hùng ca" thời thơ dại. Trước khi tôi kịp hiểu kỳ thi này để làm gì tôi đã thi xong rồi. Trước khi tôi kịp hiểu thế nào là trường Bồi Dưỡng Giáo Dục (chưa từng có cái tên trường nào kỳ cục như vậy) tôi đã bước chân vào nó rồi. Vì như tôi đã nói, tôi không có thói quen nghĩ xem ngày mai mình làm gì. Một cách dễ tính tôi ừ ào mọi chuyện thầy cô và mẹ tôi đồng ý.

Ngay ngày đầu tiên, tôi đã vỡ mộng. Tư thế oai phong của dân chuyên trong tưởng tượng của tôi "vời vợi" thế nào, thì thực tế thân phận của dân "ăn nhờ ở đậu" kéo tôi xuống " "thấp lè tè". Mà thật vậy, tôi sớm được biết là trường tôi chưa có cơ sở vật chất, trường Hùng Vương cho ở nhờ lầu trên cùng của 3,4 tầng lầu. Dù chưa đến giờ học của trường, cánh cổng sắt đóng sập trước mắt chúng tôi vì "trường chủ" chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, đầu ngày. Đợi mỏi mòn đến khi họ xong, chúng tôi mới được mở cửa cho lên trên "trường của mình". Hầu hết chúng tôi đều ý thức thân phận của mình vì thầy giám thị của "trường chủ" nghiêm trị. Rác ở đâu rớt xuống sân, tiếng ồn trên hành lang... lập tức "trường ở đậu" bị mắng vốn liền. Túm lại, tư thế của trường chuyên không hoành tráng tí nào theo cảm nhận non nớt của tôi. Đang phi như ngựa, đang tung tăng như chim trời cá bể, tôi tự biết phải đi chầm chậm, luồn lách giờ giấc để đến lớp đúng giờ. Tự dưng, tôi biết nghĩ đến mai phải dậy sớm, phải đi chuyến xe bus mấy giờ, về mấy giờ, phải học thế này, học thế kia. Có điều thuần hóa một con ngựa không dễ cho nên đến giữa năm tôi mới thực sự hòa nhập vào ngôi trường đó. 

Và rồi trường tôi cũng đã có "độc lập,tự do" với cái bảng hoành tráng bốn chữ. Nhìn ở ngoài trường tôi không đến nỗi nào, cũng có bảng mới, cũng có 02 cây phượng thật đẹp sau cổng trường. Sân trường nhỏ thôi nhưng như vậy là tuyệt quá so với thời "phụ thuộc". Nhưng mà sống trong chăn mới biết chăn có... dơi. Dơi theo chúng tôi suốt thời cấp 2, thường hay 'vệ sinh" vô tội vạ trên tập vở, đầu tóc của chúng tôi. Lâu lâu, không rõ vì lý do gì, đàn dơi ào qua ào lại chẳng coi đám người ra gì. Có lẽ nó nghĩ rằng chúng tôi đang ở nhờ nhà của tụi nó không chừng. Ngôi trường nghèo, vá víu nhưng mục tiêu cao vời vợi, trên đỉnh núi chứ không phải lưng chừng. Áp lực mà thầy cô trao cho chúng tôi là sự tự hào "dân chuyên" - "ngôi trường chuyên". Nếu như bị qua mặt bởi các học sinh ở trường khác thực sự là một điều xấu hổ. Tại sân trường đầy lỗ xi măng vá, thầy cô chưa bao giờ đọc tên em nào đạt giải cấp thành phố (chuyện đó xem như chuyện đương nhiên). Kỳ thi tỉnh cũng vậy, cũng là một chuyện bình thường ở trường này nếu chúng tôi đoạt hầu hết các thứ giải cao nhất. Lý thuyết "động viên", "khích lệ" tinh thần không được áp dụng ở nơi này. Với trường tôi, phải đạt đến thứ hạng cao cấp nhất của kỳ thi quốc gia mới được coi là thành tích. Và giá trị duy nhất có giá trị tại đây là học lực, tri thức, không phải là bất kỳ tài sản hay địa vị của cha mẹ. Dù tôi có đi dép con vịt, tôi vẫn được tôn trọng dựa vào học lực của chính mình. Điểm số, thành tích hầu như không thể mua, bán, trao đổi tại nơi đây.
Một mặt tự nhiên, tôi quen với áp lực cũng như quen với một khẩu vị hàng ngày. Mặc khác, tôi vẫn còn là một đứa con nít nên tôi tự giải quyết nó theo kiểu của mình. Có nghĩa là học thì có đó, nhưng chơi thì làm sao mà bỏ qua được. Tôi được tự quyết định học thế nào, đi học thêm ở đâu...mẹ tôi không can thiệp vào bao giờ. Tại các năm học cấp 2 tôi nổi lên như một học sinh top 3 trong lớp. 03 đứa chúng tôi chơi thân với nhau, đi ăn, xem phim với nhau... Hồi đó chúng tôi không học thêm nên thời gian rảnh cũng nhiều. Các bạn tôi cũng yêu đương rung động với các mối tình học trò, xem phim, hay rủ nhau đạp xe đi chơi lung tung. Chúng tôi đi lùng các quán ăn ngon, rẻ. Quán riêu 388, bánh xèo cô Ba ở chợ kỷ niệm là một trong những quán ruột của chúng tôi ngày đó. Tôi thường hay đến nhà cô bạn thân nhất vì nhà bạn rộng, nhiều cây, lại có nhiều đĩa nhạc và sách hay (do mẹ bạn làm cô giáo). Lần đầu tiên tôi được nghe Thái Thanh hát "Ngày xưa Hoàng thị", Khánh Ly hát nhạc Trịnh và bao ca sĩ nhạc vàng tại nhà bạn. Từ những bản nhạc đó, tôi đã cảm nhận được một cuộc sống khác hẳn tuổi thơ thô ráp của mình. Thế giới đó đẹp, lãng mạn và biết bao buồn tha thiết.

Tôi từng nghe nhiều người bàn tán về dân học lớp chuyên: chỉ biết học, EQ kém và "ngớ ngẩn". Có thể đó cũng là hình ảnh của tôi trong mắt mọi người, hàng xóm quanh tôi. Tuy nhiên, tôi chưa từng cảm giác như vậy trong suốt thời gian học tại đây. Trường chuyên đã "nhào nặn" tôi thành một người biết học hành nghiêm túc đồng thời biết sáng tạo. Đây là nơi cổ súy cho tầng lớp học sinh vượt ra khỏi ngưỡng thông thường, tạo nên sự khác biệt khiến mình trở nên  nổi bật trong đám đông. Chúng tôi có thể nói tiếng nói riêng của mình qua các cách giải bài toán, ý tưởng trong bài văn. Có lẽ vì thế, trong các năm học, tôi say mê tìm kiếm những điều ngoài sách giáo khoa, ngoài những cuốn sách nâng cao hay luyện thi cũ mòn để tìm đến nền tri thức khác. Và cũng từ đó, tôi có thói quen chấp nhận những gì không giống tôi, dù bất kể người đó, suy nghĩ đó đến từ ai. 
Ngôi trường và mấy cuốn sách giáo khoa không đủ, tôi tìm đến thế giới sách rộng lớn của thư viện tỉnh. Thư viện nằm bên cạnh bờ sông, gió mát và nhiều cây xanh. Trong phòng nhỏ đó, ngoài truyện Việt nam từ Bắc đến Nam, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm kinh điển của thế giới, tiếp xúc với đủ các bối cảnh, các con người ở thế giới này từ nước Nga với Lev Tolstoi, ... đến Pháp tráng lệ và kinh điển (tập truyện của Victo Hugo, Alexandra Dumas, Balzac, L'amant...), đến nước Mỹ đậm chất giản dị đời thường (Cuốn theo chiều gió, Chuông nguyện hồn ai....) rồi quay lại Trung quốc. Tôi ngốn hầu hết các tiểu thuyết ở thư viện không phải vì mục đích thi cử hay học bài mà chỉ vì yêu thích, và để thỏa trí tò mò của mình về thế giới bên ngoài đất nước nhỏ bé của tôi. Thuở ấy chưa có internet, phim ảnh chủ yếu là phim chiến tranh việt nam và Nga, nên các cuốn truyện đó làm tôi háo hức vô cùng. Cũng từ đó, tôi hiểu rằng quanh tôi, có rất nhiều tiếng nói, nhiều con người và nhiều nền văn hóa khác nhau.

Tại ngôi trường đáng yêu này, tôi đã có những tình bạn keo sơn hơn 20 năm. Chẳng hiểu sao, dù thực chất là những "đối thủ" nhau trong các kỳ thi, chúng tôi vẫn thân nhau. Có những khi tôi buồn vì thua bạn trong các kỳ thi, có những khi bạn khóc vì kém tôi trong một cuộc đua nào đó. Dù vậy, chúng tôi vẫn là bạn bè thân thiết, chuyền tay nhau những cuốn sách hay, những bản nhạc đẹp. Hay đơn giản là những buổi đi ăn, đi chơi rất vui cùng nhau. Có lẽ vì những giá trị chung của ngôi trường mà thầy cô đã trao cho chúng tôi luôn là giá trị cao nhất nên bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng phải đoàn kết để đạt được giá trị đó. Một cách tự nhiên, chúng tôi sát cánh cùng nhau trong các kỳ thi, trong các cuộc chơi.

Mỗi lần đi ngang ngôi trường này, tôi đều chạnh lòng. Còn nhiều tranh cãi bên lề về các trường chuyên, lớp chọn... vì đã tạo ra những thế hệ "lệch kiến thức", vì đã "đánh cắp" tuổi thơ hồn nhiên của trẻ nhỏ. Tôi chưa sẵn lòng đặt trên vai con tôi các áp lực của dân chuyên giống như tôi đã trải qua. Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận ngôi trường đó đã tạo ra được những giá trị nhất định trong tôi: công bằng - sáng tạo dựa trên năng lực tri thức của mỗi học trò.

Nhận xét