Hội thảo tuyển sinh!

Tôi nhận được giấy mời dự hội thảo tuyển sinh của một trường quốc tế. Ngôi trường đẹp với trang thiết bị khá tốt, trường đón phụ huynh chúng tôi một cách long trọng bằng đội ngũ giáo viên người nước ngoài và trong nước. Như bao cuộc hội thảo khác, các phần đều khá bài bản từ trình bày đến thảo luận.

Trong phần trình bày của mình, thầy hiệu trưởng đã nói đến quá trình đào tạo của họ từ lớp mẫu giáo đến bậc trung học. Đó là một định hướng bài bản để đào tạo một thế hệ học trò tương đối hoàn chỉnh. Tôi đã từng có ý định chỉ cho con tôi học tiểu học tại đây (vì e rằng bé học trung học thì sẽ không thi nổi đại học Việt nam). Tự dưng, tôi chợt băn khoăn: nếu vậy, có phải tôi đã tạo ra một "sản phẩm giáo dục" dang dở. Cái gì dở dơ ương ương thường không mang lại điều tốt đẹp. Giống như tôi đã chứng kiến những học sinh du học sinh từ nước ngoài trở về, chật vật hòa nhập với xã hội Việt nam. Có lẽ bản thân họ trước đây chưa từng là một học sinh xuất sắc cho nên dù có gán mác gì thì họ cũng chỉ vậy mà thôi. Hay có lẽ vì họ đã hình thành nhân cách, kỹ năng theo kiểu giáo dục truyền thống của Việt nam, đến khi tiếp cận môi trường học của đất nước tiên tiến trong vài năm càng làm cho họ biến thành kiểu người "nửa nạc, nửa mỡ". 

Lần đầu tiên, tôi được nghe một người thầy đề cập đến một quá trình đào tạo, mục tiêu họ kỳ vọng  và  bằng phương pháp cơ bản nào để họ đạt được điều đó. Sao tôi lại chưa từng được nghe các thầy cô (thậm chí bạn bè cô giáo của tôi) nói với học trò hay phụ huynh về điều đó? Hầu hết các thầy cô Việt nam chỉ muốn học trò của họ đạt con mười, học sinh giỏi, hay đơn giản là con ngoan trò giỏi. Một người bạn tôi nói họ không có nhu cầu làm cho học trò thích học. Tự nhiên phải học thôi, để dành lấy các điểm số, để vào cổng trường điểm, trường đại học đỉnh, để có việc làm hay để giống anh trai, chị gái A,B, C nào đó...  Và có khi học trò chẳng biết mình học vì cái gì, sao lại phải học vì các mục tiêu liệt kê trên đây không xuất phát từ nhu cầu của các em. 

Giá như các trường tiểu học nào cũng tổ chức cuộc họp phụ huynh nộp đơn trước năm học. Dù rằng trong cuộc hội thảo hay cuộc họp đó không phải mọi thứ đều hoàn hảo nhưng ít nhất, tôi cũng còn nghe, còn hiểu ít nhiều về nền giáo dục thuần chất Việt hiện tại. Và để biết so sánh, biết nhìn nhận các giá trị không phải là không có của nền giáo dục ấy. Tôi không thể biết rõ các trường tiểu học, trung học truyền thống có thể mang lại gì cho con tôi. Một cách không chính thống, tôi lượm lặt vô số tin đồn, lời truyền miệng từ phụ huynh, từ hàng đống báo chí (chỉ quen nêu chuyện tiêu cực), từ bạn bè.... Và khổ thay, tôi chỉ nghe được những lời chê bai mà thôi.

Sau khi tham quan cơ sở trường, rời khỏi cuộc hội thảo, tôi chợt buồn vì cách mà các nhà trường tiểu học, trung học và đại học Việt nam đang làm. Chẳng ở đâu cho các phụ huynh biết ngôi trường này thế nào, được xây dựng và hình thành từ bao đời, đã đào tạo và sẽ đào tạo một thế hệ học trò thế nào. Cái gì nhà trường có thể cho dù  biết rằng con cái chúng tôi chưa chắc đã nhận được tất cả. Tôi không tin rằng giáo dục hay thầy cô truyền thống không tốt, cái họ mang đến cho con cái chúng tôi đều không bằng trường quốc tế. Vì tôi thấy nhiều trẻ tại các ngôi trường này đạt được nhiều thành tích, nhiều thành công trong cuộc sống. Không lẽ với những bằng chứng sống như vậy, họ không có gì để nói với phụ huynh? Có chăng là vì họ không quan tâm đến việc định hướng cho cả phụ huynh lẫn học trò tương lai của mình mà thôi.

Dù không biết rằng con tôi có vào học ở trường quốc tế hay không, tôi vẫn cảm ơn người thầy để cho tôi một cái nhìn giáo dục, để hiểu rằng trường học vốn không chỉ là những con ong cần mẫn, mà còn là bạn đồng hành cùng với con cái chúng tôi, cùng chia sẻ trong quá trình hình thành tri thức và nhân cách của trẻ.


Nhận xét