Ngôi trường tuổi thơ (1)



Ở tuổi vào mẫu giáo, như bao đứa trẻ Thiên Chúa giáo tôi được gửi vào trường do ma- xơ lập ra. Tôi không ấn tượng gì ngôi trường này vì vào học không bao lâu, tôi đã ra khỏi ngôi trường này. Lý do đơn giản là tôi làm mất tập, soeur dùng thước kẻ khẻ vào ngón tay tôi. Mẹ tôi biết, liền sau đó đưa tôi lên trường xin được nghỉ học. Từ đó tôi học trường “tại gia, tự quản”. Mẹ đi chợ bán hàng (nửa ngày), đóng cửa để chúng tôi trong nhà. Anh tôi chăm sóc tôi. Nói là chăm sóc chứ thật sự chúng tôi chơi với nhau, và rủ các đứa hang xóm khác qua đi qua cửa nhà sát bên. Tuổi mẫu giáo của tôi là những ngày nhảy khắp các bao gạo chất đầy trong nhà. Nhảy chán, hai anh em tôi lại làm bánh bằng mấy củ khoai hay chơi đu xích đu võng. Nửa ngày còn lại khi mẹ về là thiên đường của chúng tôi. Chúng tôi ra sân đất trước nhà, và anh tôi dạy tôi chơi đủ các trò của một thằng con trai: đánh đáo, chơi cù, leo cây hái me, đá banh… Xóm tôi đông con nít lại toàn là con trai, hầu hết cũng được gửi, giữ tại “mẫu giáo tại gia” nên tập trung tại sân rộng từ nhà này qua nhà kia. Thi thoảng lũ con nít đá banh ra đường, chạy ra nhặt và bị tông xe. Hầu như chẳng bị gì vì thời ấy toàn xe đạp cọc cạch, tốc độ rùa bò chẳng đủ sức gây sát thương. Có chăng là chủ xe kéo lỗ tai đứa nào xấu số. Đến giờ lại về nhà ăn, ăn xong lại chơi. Suốt tuổi mẫu giáo, tôi không được học một chữ, một con số nào. Các hình học, màu sắc, giờ giấc… chủ yếu là các anh lớn hơn chỉ cho. Dễ òm vì trái banh thì hình tròn như đồng tiền đánh đáo, con cù hình phễu, … Các anh chỉ lượm trái banh này (tôi chưa đạt đến trình độ cầu thủ) khi thì màu đỏ, màu xanh, vàng… và thế là biết màu sắc thôi.




Đến 6 tuổi, tôi được đi học. Giống như bao trường làng  khác, trường của tôi rộng lớn, sân bằng đất. Nhà sơn màu vàng cũ kỹ, và lớp vôi bị tróc lung tung chỗ, mái tôn nhiều lỗ thủng. Chung quanh là cây bã đậu phủ mát. Tôi không nhớ trong giờ học chúng tôi học gì. Chỉ nhớ khi ra chơi, lớp chúng tôi ùa ra sân như đàn ong vỡ tổ. Tôi hòa vào đám con trai trong lớp (từ nhỏ tói giờ tôi đâu có biết chơi với con gái). Trò chơi mà tôi thích nhất là chơi kẻng ở sân trường. Còn lâu những thằng con trai mới dí được tôi, chỉ khi nào tôi lỡ may té xuống. Khi ấy, tôi nhớ mình đã rất sợ vì làm rách cái quần đen duy nhất để đi học. Thế nào tối về tôi cũng bị mẹ la dù bà sẽ vá cho tôi.. Sân trường mịt mù bụi vì đám con nít như tôi. Thực lòng lúc đó, tôi rất ngưỡng mộ cô bạn lớp bên cạnh. Bạn ấy trắng muốt, tên là Trân, mặc đồ đẹp và sạch sẽ chỉ đứng tựa cây cột vào giờ chơi. Ngày nào cũng vậy, bạn ấy không hề chơi chung với đám bạn trong lớp. Bạn ấy học giởi nhất nhì khối của tôi. Nhưng mà, dù cũng muốn đạt được phong thái tiểu thư như vậy, tôi vẫn không kìm được mình khi chúng bạn rủ rê. Đám con trai thích chơi với tôi, vì tôi chơi ngang cơ với tụi nó do được huấn luyện tại “trường mẫu giáo tại gia”. Hoành tráng nhất là giờ ra về. Trước cổng trường bán rất nhiều món ngon: gỏi khô bò, lõi dứa, me ngào đường, kem que, xoài, cóc.... Món tôi mê nhất là gỏi khô bò nhưng cũng đồng thời là món mắc nhất. Để có tiền ăn món đó, chắc chắn hôm nào tôi phải “trúng mánh”. Thuở ấy, đám con nít chúng tôi cũng biết “làm ăn kiếm tiền”. Chúng tôi đi theo mấy anh lớn, đến nhà bà Kim Liên – chủ vựa phế liệu – đợi xe phế liệu. Đám nhóc chúng tôi loanh quanh cái xe, thi thoảng lại xin miếng giấy, cái chai... người ta bỏ… Sau một thời gian chúng tôi gom lại với các món tự lượm được ngoài đường, đem đến bán cho nhà bà Kim Liên. Lúc đó, tiền sẽ chia nhau. Thông thường chỉ đủ ăn que kem nhưng nếu hôm nào ai cho nhiều phế liệu, tôi sẽ “trúng mánh” và có tiền ăn gỏi khô bò. Gỏi khô bò là đu đủ trộn với vài ba miếng khô bò mỏng dính, xắt thành từng hình sợi nhỏ, rưới thêm một ít nước chấm. Tôi luôn thèm thuồng món này, thèm cho đến tận giờ này, khi tôi đã đủ tiền để mua cả chục dĩa chất lượng cao hơn nhiều. Có lẽ tôi đang thèm “kỷ niệm”, “ký ức” thì đúng hơn là thèm ăn một món bình dân như vậy.



Thêm một ngôi trường ngoại khóa của tôi là 'trường" ruộng gần nhà. Hầu hết 3 tháng hè, hoặc trưa ngày nghỉ là thời gian chúng tôi ở trường này. Trường này không bao giờ chán dù tôi không phải là nhân vật nổi bật gì, chỉ là đứa ăn theo. Nếu như bắt cá thì những đứa nhỏ nhít như tôi sẽ có nhiệm vụ giữ cái bịch hay lọ đựng cá. Thiếu người lắm thì mới có dịp dậm chân lùa cá cho các anh bắt bằng rổ. Các anh của tôi ngày đó oai phong lắm, như tướng tư lệnh vậy. Lũ nhóc con răm rắp tuân lời. Tuy nhiên thi thoảng các anh bị phạt cấm cung, chúng tôi mới có dịp trổ tài. Chúng tôi có thể đi dọc theo con suối dài, dưới bóng cây tre. Đó là những lúc tránh cái nắng quá gay gắt. Mùa nào thức ấy, trên ruộng mà còn lại ô ruộng nào thu hoạch xong, chúng tôi mót những gì còn sót lại. Khi thì đậu, khi thì bắp, lúc lại là những quả khổ qua đắng nghét. Hai trò tuyệt nhất trên trường này là chạy đua trên ruộng và bắt dế. Khi ruộng đã gặt xong, các anh chạy đua trên thửa ruộng đó. Đám con nít chúng tôi thì hò reo y như cuộc đua thứ thiệt. Sình bắn lên mặt các anh nhìn ngộ nghĩnh vô cùng. Vào mùa mưa, chúng tôi bắt dế. Các anh phải quan sát kỹ càng để xem thế nào là lỗ rắn, lỗ cua hay lỗ dế (nếu nhầm là mệt lắm). Cứ người này chỉ người kia nhưng mà cũng có lúc nhầm, anh Hổ bị cua kẹp nhảy tưng tưng và la ầm ĩ. Điều quan trọng nhất là chơi gì thì chơi, chúng tôi phải tắm sạch chân lấm tay bùn, xóa sạch dấu vết.  Sau đó, chúng tôi đi loanh quanh một hồi trên bờ ruộng để quần áo khô rồi mới về nhà. Nếu bị phát hiện thì coi như sẽ bị “hình phạt nặng nề nhất” là ngủ trưa với sự canh giữ của bố mẹ. Cứ thấy cu nào bỏ cuộc chơi hôm sau là biết đang bị phạt rồi.



Ba ngôi trường này không còn tồn tại ở thành phố của tôi. Tại các ngôi trường ấy, tôi chưa bao giờ quan tâm ngày mai sẽ chơi trò gì, học chữ gì. Mỗi ngày trôi qua là một khúc ca ngẫu hứng.Chỉ còn là kỷ niệm đẹp thôi. Có lẽ vì thế mà tôi luôn nhớ, luôn bồi hồi khi nhớ lại. ...

Nhận xét