VỊ TẾT VIỆT




Trải qua nhiều cái Tết từ các năm đầu giải phóng đến nay, tôi cảm thấy Tết Việt cũng càng ngày càng khác đi. Có người cho rằng Tết càng ngày càng nhạt, cũng có người cho rằng Tết như vậy mới hiện đại. Sự thay đổi đó làm sao có thể tránh được khi con người vốn đâu phải là bất biến.

Vào những năm đầu giải phóng, con nít chúng tôi mong mỏi Tết vì những điều đơn giản vô cùng:

  •  Được ăn thịt (dù chủ yếu là mỡ) và bánh chưng
  • Được tấm áo mới.

Có thể một vài gia đình khá giả hơn thì mơ ước nhiều hơn vài điều nhưng chủ yếu vẫn là thế. Cái thuở đói ăn, đói mặc vì Tết là dịp để ăn thỏa đầy và mặc đẹp. Tôi có cảm giác như mình biến thành một cô gái xinh đẹp nào đó trong tưởng tượng.

Khi tôi lớn lên một chút, vào các ngày cận Tết, các nhà chung nhau nấu bánh chưng, bánh tét, làm củ kiệu, dưa hành, dưa món. Tôi mong Tết vì ngoài được ăn, được mặc, con nít chúng tôi có thêm phong bao lì xì. Những món tiền nho nhỏ là niềm vui khôn tả vì lần đầu chúng tôi được có chút đỉnh tiền bạc để tiêu xài cá nhân, chỉ dành riêng cho mình dù với sự kiểm soát của ba mẹ. Chúng tôi học các câu chúc, muốn được đi cùng bố mẹ tới bà con họ hàng không ngoài mục đích đó. Mọi người đi qua lại nhà nhau tấp nập vào các dịp Tết, bà con xa thì hàn thuyên khá lâu vì Tết mới có dịp gặp nhau, không khí nhà nhà náo nức vì chuyện trò qua lại (hồi đó không có điện thoại, Ipad… như bây giờ, muốn nói chuyện với nhau chỉ có cách gặp mặt).

Khi tôi trưởng thành, Tết đã khác khá nhiều. Có nhiều người cảm thấy Tết nhạt hơn cũng không sai vì cận Tết không còn là dịp cùng nhau thổi lửa nồi bánh, chia nhau củ kiệu, dưa hành, dưa món. Chạy ào ra chợ, siêu thị mua là có tất. Bà con ở xa thường xuyên thăm hỏi qua điện thoại cũng chúc nhau qua phone, ipad… Hàng xóm láng giềng thì cửa ngõ hàng ngày im ỉm nên Tết cũng không cần phải ồn ào thêm. Nhưng mà chính vì không bận bịu chuyện này chuyện nọ, mà Tết về, gia đình tôi có dịp xả stress. Vợ chồng tôi đi loanh quanh ngắm chung quanh nhà mình (bình thường sáng đi, tối về có ngắm nghía gì đâu). Cây mai tôi trồng mặc dù không chăm sóc gì trổ hoa làm tôi bất ngờ. Chậu sứ cũng nở bung các cánh hồng hồng khá xinh. Nhìn ra nhà hàng xóm thấy mọi người cũng loanh quanh nhà, gặp nhau cười chào vài câu chuyện. Tối về không cần ngủ sớm, tôi ung dung tự thưởng một tách trà, và ngẫm nghĩ về một năm qua của mình, của gia đình mình cũng như năm tới tôi sẽ làm gì. Như mẹ tôi vẫn hay nói “Dọn lòng đón năm mới”. Với con trẻ, Tết muôn đời vẫn là những ngày hạnh phúc dù khác với con trẻ thời của chúng tôi. Mơ ước mỗi trẻ mỗi khác nhưng tựu trung tôi nhận thấy và tạm sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

  •  Được nghỉ học (Bình thường học dữ quá nên cái này các bé mê lắm)
  •  Lì xì (để mua đồ chơi mình thích)
  • Mặc đẹp

-         
Bởi vì thế, tôi yêu Tết Việt vô cùng dù có thay đổi thế nào. Bạn có thể nói rằng những việc  tôi  nói đến Tết Tây vẫn làm được hay nói cách khác bất kỳ một ngày nghỉ nào trong năm chả được. Nhưng mà không hiểu tại sao, chỉ đến Tết âm lịch, tôi mới làm được các điều đó một cách trọn vẹn nhất, sâu sắc nhất. Và dù thế giới có thay đổi đến thế nào thì trong tôi – người dân Việt, chỉ có đêm 30 mới là cuối năm, ngày mùng một mới là đầu năm mới.


Nhận xét