Tôi vô tình đọc một bài viết có câu hỏi "Bạn có từng say nắng với đồng nghiệp?". "Say nắng" là một tình cảm thoáng qua như một trò chơi ú tim. Tuy nhiên tại sao người trưởng thành với đủ các chỉ số IQ lại cứ vướng phải trò chơi ấy? Và hơn thế nữa, say nắng này còn có khi biến thành ngoại tình.
Trong vài bài chuyên luận gần đây của báo Tuổi trẻ, tại các tộc người thiểu số, tội ngoại tình đều bị phạt vạ rất nặng bởi luật của làng. Với quan điểm rằng những lầm lạc đó là tội lỗi với Yàng nên phải rửa bằng một phiên tòa của làng, theo tục lệ của làng. Trong khi đó, luật pháp người Kinh lại rất ơ hờ với "tội" này, hơn thế nữa, đôi khi còn được xem là "chiến tích" của các quý ông trên bàn nhậu.
Dù ở thế kỷ nào đi nữa, ngoại tình vẫn luôn là lỗi đạo đức. Lỗi đầu tiên là thể hiện sự dối trá của một con người đối với người khác. Lỗi thứ hai là sự tổn thương nặng nề đến người phối ngẫu. Và lỗi thứ ba là một tấm gương vấy bẩn về đạo đức cho con cái. Vậy tại sao con người hiện đại chúng tôi lại sẵn sàng bỏ qua lỗi đó trong khi người thiểu số lại không? Tại sao luật pháp đương đại lại không bảo vệ những con người bị lừa dối, bị bỏ rơi? Có phải cho rằng vì tình yêu nên người ta phạm lỗi, vì một phút yếu lòng (con người vốn yếu đuối) nên "thôi thì thôi nhé"? Hãy bỏ qua và tha thứ. Có lẽ người thiểu số vẫn bỏ qua, vẫn tha thứ nhưng mọi lỗi đều phải có cái giá của nó. Cái giá của những tổn thương anh đã mang đến cho người khác không thể giải quyết đơn giản bằng câu xin lỗi nhẹ nhàng mà phải bằng "tiền và danh dự". Số tiền bị phạt có thể là một con số khủng đến nỗi anh không thể quên nổi vì phải cày, phải bừa còn lâu mới xong nợ. Cái giá quá đắt!!!
Chúng ta đều biết trong mỗi con người đều có phần 'con". Cái bản năng đó
luôn xúi giục chúng ta hành động theo sở thích nhất thời, theo "hứng"
mà không cần biết hậu quả.Có lẽ chuyện ngoại tình quanh tôi không còn hiếm hoi. Tôi không có số liệu thống kê, mà nếu có tôi cũng nghi ngờ tính chính xác của các con số này, nhưng tôi biết rằng nhiều. Quán bar, bia ôm... đủ kiểu hình thức mại dâm khiến tôi hình dung khái quát. Có muôn vàn lý do để họ ngoại tình mà phần lớn là sự ngụy biện. Họ liên tục ngoại tình, hết lần này đến lần khác dù vẫn không chấm dứt cuộc hôn nhân. Ngoại tình với cô A. Bắt gặp. Bỏ. Lại ngoại tình với cô B... cứ thế như một luẩn quẩn đến khi người vợ/ chồng cũng chẳng còn hơi sức để quan tâm. Sự xúc phạm lẫn nhau dường như đi đến tận đáy của sức chịu đựng khiến mọi thứ bão hòa. Tôi đã từng thấy người vợ chỉ cười nhạt khi thấy chồng tay trong tay một cô khác, chép miệng: "Quen rồi". Sao con người hiện đại lại phải quen với tổn thương như vậy? Có đáng để chúng ta sống và thở cùng nó hay không?
Tôi nghĩ rằng luật pháp chúng ta văn minh thật nhưng trong một khía cạnh nào đó về quyền của con người lại thua xa đạo luật của các làng bản. Luật của Yàng, của núi rừng mang hơi thở của sự công bằng. Trước khi làm đau ai đó, anh phải biết anh sẽ gánh chịu những gì? Hãy thôi làm đau nhau nhân danh nhu cầu bản năng của mình. Một thời người ta vẫn quan điểm rằng, khi người chồng ra biển, nếu người vợ ngoại tình thì con thuyền đó sẽ gặp cơn sóng dữ, có thể chết chìm cả đoàn tàu. Chỉ có những người trong sạch mới mang lại những điều tốt đẹp. Tôi e rằng chẳng còn ai tin vào điều tâm linh như thế. Nhưng tôi tin chân lý muôn đời "Gieo nhân nào, gặt quả ấy". Dù luật pháp có dung thứ thì những quả đắng có thể sẽ khiến người phạm lỗi ân hận khôn nguôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét