CHUYỆN THẦY TRÒ



Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt một tính cách, gieo tính cách gặt số phận”.


Báo chí ngày này đề cập khá nhiều đến nền giáo dục, đến sự suy giảm trầm trọng đạo đức của cả thầy lẫn trò. Những câu chữ đó lướt qua trong đầu tôi như thể “Biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Nếu như các tít lớn trên báo tưởng như mình đang tạo một tiếng vang ghê lắm thì với những người thật, phụ huynh bằng xương bằng thịt đó chỉ là câu chuyện muộn màng trên giấy. Tôi một nửa thờ ơ, một nửa tò mò xem người ta viết gì. Sau đó, tôi có cảm giác như chẳng có gì mới mẻ.

Sau khi tôi đi làm được 5 năm, khoảng từ năm 2005, tôi nhìn các thế hệ 8.5x, 9x mà ngỡ ngàng tự hỏi: “Sao các cô bé, cậu bé lại có những tư duy thế nhỉ?” Và trong đại trà đó, chỉ một số ít có được suy nghĩ của một thanh niên đầy trách nhiệm, logic và nhìn nhận vấn đề kỹ càng. Còn lại, tôi thấy trước mắt một lối suy nghĩ hời hợt, đòi hỏi nhiều hơn đồng thời cũng cống hiến ít hơn. Càng tiếp xúc nhiều các nhân viên trẻ, tôi càng cảm thẩy buồn và tội cho các em. Kiến thức các em không thiếu nhưng tư duy logic lại kém, suy luận nghèo nàn đến nỗi tôi từng bước phải trang bị cho các em tư duy đó. Ai bảo gì nghe nấy, đôi khi như những cái máy. Vi tính dường như đã thay thế văn hóa đọc của các em nên chẳng ai thèm đọc sách. Dần dà, tôi chấp nhận điều đó như một điều tất yếu. Hơn hai mươi năm trong trường từ tiểu học, trung học đến đại học chẳng lẽ cái các em gặt hái chỉ có như thế?

Tôi băn khoăn về một ngày con tôi bước vào lớp 1, tối về ôm bài văn học thuộc lòng. Trong lòng tôi nhói đau khi nghĩ đến cảnh đó. Văn chương đối với tôi vốn là một cái gì đó thiêng liêng bỗng trở thành một thứ văn hóa sao chép một cách vô tội vạ. Huống hồ là những môn học khác, sẽ còn đến mức nào. Báo chí cứ nêu đi, các giáo sư cứ lên tiếng đi. Tôi không tin rằng thế hệ con tôi sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp. Dù giáo trình có cải cách đến trăm lần đi nữa, dù cách chấm điểm thế nào đi nữa, vẫn còn đó có một thế hệ thầy cô được đào tạo như những cái máy. Các thầy cô ấy sẽ dạy cho con tôi điều gì? 

Gần đây, tôi được mục kích một clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng. Dù đã nghe thì nhiều nhưng trực diện tôi vẫn cảm thấy buồn. Tôi buồn cho người thầy (trách cứ người thầy đó không nhiều). Vì rằng họ chỉ là sản phẩm của một nền giáo dục, một lối tư duy. Búa rìu cứ ném vào họ mà không ai đặt bản thân ở vị trí của họ. Người thầy còn khá trẻ, khoảng chừng 25 tuổi. Khi xã hội đang bày bán vô số các hành vi phi đạo đức ngoài đời, trên báo và trên TV thì trong 20 năm họ đã được học môn “giáo dục công dân” như một món khoai độn. Nhà trường xem thường giáo dục nhân cách đến mức môn Giáo dục công dân đa phần là các giáo viên ‘bất đắc dĩ” đảm nhiệm. Gia đình mải  mê trong cơm áo gạo tiền để quên mất con trẻ. Tôi cho rằng vài môn học nào đó trong trường sư phạm để giúp họ trong công tác cũng không thể giúp họ thay đổi cả một tính cách. Hành vi của thầy trò trong clip đó, theo tôi chủ yếu vẫn là sai lầm trong cách cư xử giữa người với người (chưa nói đến tầm cao hơn là giữa thầy với trò). Muốn có cách ứng xử tốt, cần phải có một nhân cách tốt. Vì cả thầy đó, trò đó đều thiếu một nhân cách mà cái đó không chỉ có thay thế vài quyển sách giáo khoa, vài kỳ thi là giải quyết xong. 
 
Tôi đã từng chứng kiến cô giáo mầm non chỉ tay vào mặt những đứa trẻ lên 5 tuổi. Tay lăm lăm cây thước gõ mạnh xuống đất, thỉnh thoảng lại đét vào người các cô bé cậu bé (dù là thước rỗng, không đau).
Tôi hỏi cô giáo:
“Cô cầm cây thước đó để làm gì nhỉ?” Cô chỉ lúng túng trả lời rằng đó là cách cô dùng để đánh nhịp. Có rất nhiều cách để đánh nhịp, vỗ tay, hô nhịp… tại sao phải là cây thước?
“Sao cô chỉ thẳng vào mặt học trò?” Chắc là con tôi sẽ bắt chước cô và chỉ tay vào mặt người khác khi nói chuyện mà nghĩ rằng đó là điều bình thường.  
Cô gật đầu và nói nhỏ: “ Dạ tụi em không để ý về việc đó. Tụi em sẽ lưu ý kỹ hơn”. 

Những cách ứng xử cơ bản thế chẳng ai cho là quan trọng huống gì với tư thế người trên, thầy cô được giao cho quyền hành xử như những vị tướng độc tôn trong lớp học. Thầy cô thường xuyên chỉ vào học trò bằng một ngón trỏ, bằng cây thước phản cảm. Không ít lần thầy cô chửi học trò ngu dốt. Hành động, lời nói nếu bình thường được xem là sự xúc phạm thì người thầy người cô vẫn áp dụng cho học trò của mình như  một liệu pháp sư phạm tạo sự uy thế, quyền lực.
Nếu học trò có những hành vi cần uốn nắn, hãy nhìn thẳng vào mắt, mặt đối mặt riêng để cùng nhau giải quyết. Các thầy cô có được dạy rằng không nên kêu ai đó lên trước bàn dân thiên hạ và uốn nắn họ một cách thô thiển, bởi vì kể cả trẻ con cũng còn có sĩ diện.

Và vì tất cả những điều đó, tôi cất tờ báo qua một bên, dẹp đi những văn tự đã quá sáo rỗng. Hy vọng là gì khi đã hơn 10 năm trôi qua có thấy gì thay đổi? Có chăng ước rằng nhờ một phép thần kỳ nào đó, con tôi sẽ khác những đứa trẻ tôi đã từng gặp.

 

Nhận xét