Tôi viết về Đà Lạt, không phải về thành phố nào khác vì nó là kỷ niệm gắn liền với tôi từ những ngày còn là một cô thiếu nữ mới lớn. Cảm nhận chung của tôi là Đà Lạt đang dần thay đổi, kể cả khí hậu, con người cũng như sự yêu thương của du khách.
Đà Lạt trong dĩ vãng
Tôi đọc bài viết của cô Khánh Ly, cảm thấy tim mình như ngưng lại trong cảm xúc lắng đọng về một thời thiếu nữ của người ca sĩ tài hoa tại đất này. Đà Lạt qua mắt nhìn của cô đầy lãng tử và bình yên trong tiếng nhạc, những cô kỹ nữ, anh "giang hồ" xứ núi.
Tôi nghe qua lời kể của mẹ, người đã lang thang khắp phố phường Đà Lạt cả tháng trời rằng Đà Lạt lạnh và trầm lắng như sương mù nơi đây. Người Đà Lạt luôn mặc áo khoác, sống chậm và thật tình ngay cả khi buôn bán hàng quán.
Tôi nghe qua lời kể của cô hướng dẫn viên, Đà Lạt thời ông Diệm lạnh 8-10 độ C. Từ tầng 1 Bạch Dinh của Biệt thự Trần Lệ Xuân là cả thung lũng thông trải dài, không có mấy nóc nhà che phủ tầm nhìn. Và vì thế, dinh thự của Trần Lệ Xuân thời đó được xem là nơi xa xỉ bậc nhất của xứ núi.
Đà Lạt trong ký ức của cô bé 15 tuổi
Lần đầu tiên đến Đà Lạt, chạm vào cái lạnh buốt người, đi bộ khắp khuôn viên trường Đại học Đà Lạt, tôi cứ nghĩ đây là nơi đẹp nhất thế giới. Dọc xuống hồ Xuân Hương, tôi càng đắm chìm trong cảm giác khôn tả khi nhìn sương mù giăng giăng trên mặt hồ. Tôi chợt hiểu tại sao Khúc Thụy Du lại quyến rũ đến như vậy khi được hát lên trong khung cảnh Đà Lạt.
Lần đầu tiên được ngồi trong quán vắng, yên lặng nghe rõ từng âm thanh của nhạc Trịnh Công Sơn. Đã từng yêu nhạc Trịnh, nhưng chưa nơi nào, tiếng hát Khánh Ly lại có thần khi được cất lên trong quán cafe Đà Lạt. Đi đến quán nào, dù sang dù bình dân, tôi đều được nghe nhạc Trịnh. Hình như người Đà Lạt yêu nhạc Trịnh, đặt cả tâm hồn trong bài hát buồn của ca khúc Trịnh.
Đà Lạt 10 năm của tôi.
Hằng năm tôi đều đến Đà Lạt, dịp này hay dịp khác.Mỗi một lần đi, tôi lại mang ít áo lạnh hơn. Hồ Xuân Hương xanh màu tảo. Chung quanh hồ, cỏ không còn mọc mà xơ xác khô cháy và nhiều rác. Đồi Cù năm nào chẳng còn gì ngoài hàng rào dành cho các tay vương giả đánh golf. Các quán cafe xập xình nhạc trẻ, muốn tìm một quán mở nhạc Trịnh cũng không hề đơn giản.
Đà Lạt 20 năm của tôi.
Năm nay tôi đến Đà Lạt. Từ 9h sáng đến 4h chiều, Đà Lạt nắng gay gắt như bao xứ núi vùng cao khác. Gió lạnh cũng không xua đi được cái nắng nóng của mặt trời. Khí hậu khô hanh khiến Đà Lạt chẳng còn khác gì Bảo Lộc hay Di Linh. Cây thông càng ngày càng ít. Sương mù còn thấy chủ yếu ở những vùng xa trung tâm thành phố.
Chúng tôi ngần ngại đi tìm một quán ăn vì sợ chặt chém (nạn chặt chém khách du lịch đang được viết tràn lan trên báo mạng). Cứ đến mùa lễ, khách sạn Đà Lạt tăng đột ngột gấp 2-3 và cũng có khi còn hủy phòng vì giá cao.
Quanh Hồ Xuân Hương đầy khói bụi, khói của xe và bụi của đường đất, của các vùng đất chưa được phủ cỏ. Các quán cafe không còn không khí trầm lắng của nhạc Trịnh và tiếng hát của Khánh Ly có lẽ cũng rơi lạc lõng ở đâu đó. Người Đà Lạt vẫn luôn mặc áo khoác dù trời không lạnh lắm, nhưng tôi không còn tin sự chân thật của họ.
Nếu có ai hỏi Đà Lạt sau này, tôi vẫn cho rằng khí hậu Đà Lạt sẽ còn thay đổi mỗi ngày sẽ nóng hơn vì cây cối càng ngày càng thưa thớt.
Người Đà Lạt sẽ sống nhanh hơn (dù không nhanh bằng người dân xứ khác) bỏ quên cái cảnh chậm chạp buôn bán, tính trầm lặng lẽ của ngày nào.
Dần dần chúng tôi cũng sẽ quên Đà Lạt hay có chăng chỉ là trong ký ức đẹp thuở niên thiếu.
Đà Lạt có còn "mộng mơ" "ngàn hoa" như tên gọi muôn thuở?
Mong rằng tôi lầm, rằng 5- 10 năm nữa tôi lại được sống chậm với những ngày không khí lạnh mát và yên ả trong thành phố mộng mơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét