Tôi sinh ra 02 năm sau khi giải phóng đất nước ở miền Nam. Nói một cách khác, tôi là dân "sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa". Trong khi đại gia đình của tôi, dân Bắc 54 (chín nút), lớn lên và sinh sống chủ yếu trong thời kỳ miền nam còn thuộc xã hội tư bản dưới sự viện trợ của Mỹ.
Trong những năm đầu giải phóng, gia đình chúng tôi nghèo, gạo thiếu, vải thiếu. Các áo quần cũ của mẹ bằng vải satin mềm mịn vẫn còn ghi dấu trong tâm trí của tôi. Tôi thích nhất áo tím sọc đen của mẹ, nó mới nữ tính và quyến rũ làm sao. Mẹ chỉ đưa ra để nhìn ngắm chứ không mặc. Sau này tôi mới biết vì mẹ không muốn mình trông lụa là một cách kỳ dị giữa những tấm áo sờn, cứng qoèo của mọi người chung quanh. Những tấm hình chụp ở tiệm Phạm Lung thời mẹ con gái, đi dạo quanh chợ với các bạn, áo dài nữ sinh - một ký ức không thể phai nhạt. Bác tôi từng nói vào thời trước giải phóng, gia đình chúng tôi có đầy đủ tiện nghi. Hàng Mỹ nhiều, rẻ khiến mọi người được tận hưởng văn hóa tiêu dùng của nước Mỹ một cách thoải mái. Cho đến giờ này, thỉnh thoảng các cụ vẫn còn nhớ lại thời trẻ trai với quán bar, chai rượu hảo hạng, món cá chép ở nhà hàng... hay đơn giản như món kem Bạch Đằng.
Qua thời kỳ khó khăn, đất nước chúng tôi đã đổi mới, chúng tôi lại quay về với quần là áo lượt, tiện nghi trong gia đình cũng như phương tiện đi lại. Dù nước chúng tôi đã sản xuất ra hầu hết các hàng hóa "Hàng Việt nam chất lượng cao" nhưng dường như có một cái gì đó vẫn luôn tồn tại trong ký ức của tôi, cũng như của người dân khác. Chúng tôi vẫn sính hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Mỹ. Khi đến biên giới Tây Ninh vào siêu thị miễn thuế, điều hiển hiện trước mắt tôi dường như nói lên tất cả. Từ đằng xa đã nhìn thấy khu tập trung đông đúc. Tôi chợt nhận ra đó là khu bán đồ Mỹ. Tôi không rõ thương hiệu Mỹ đó có uy tín hay không nhưng trên hàng ghi " made in USA". Đủ loại: bánh kẹo, xà bông, kem đánh răng, nước uống. Bên cạnh, khu hàng Trung Quốc, Việt nam và thậm chí Thái Lan vắng tanh. Nếu có hàng Mỹ tất cả hàng hóa khác ra rìa.
Và không chỉ có bánh kẹo, xà bông, nước uống...
Có phải vì hàng Mỹ một trời một vực so với các nước khác và/hoặc so với Việt nam dù cùng một công ty sản xuất? Có phải vì giá cả (có lẽ cái này phải loại từ đầu vì giá hàng Mỹ khá cao)? Hay vì tâm lý sính hàng Mỹ?
Tôi chọn lý do thứ 3. Có những người chỉ cần thấy chữ USA là đã mua. Có những người ngần ngại suy nghĩ vì hàng gần hết date, hoặc nhãn hiệu chưa từng nghe tới bao giờ nhưng cũng chậc lưỡi " Hàng Mỹ mà". Tôi không phải nhà nghiên cứu thị trường để có một câu trả lời chính xác. Mơ hồ tôi đoán. Có thể vì một ký ức thời kỳ tiêu dùng hàng Mỹ trước năm 1975 từ thời thế hệ đi trước. Có thể vì đây là miền đất hứa mà mọi người mơ tới, không phải chỉ cho mình mà cả cho thế hệ con cháu mình. Đó là nơi ta chưa đến, chưa trải nhưng vẫn luôn hào nhoáng vì ký ức tiếc nuối, vì kỳ vọng xa xôi. Có một điều rất rõ, người ta chỉ tiếc nuối quá khứ hay vọng về tương lai khi thực tại là một sự thất vọng. Đất nước tôi vẫn chưa là mơ ước , vẫn chưa thỏa mãn những khát khao cuộc sống của người dân nước mình. Khi bạn lớn lên, già đi, bạn sẽ mãi gắn bó với quê cha đất tổ, nhưng có bao giờ bạn luôn muốn rằng: Con cháu mình sẽ sống ở đây thay vì ở một nơi nào đó trên thế giới này?
Biết đâu, mai sau, nhưng chưa phải bây giờ.
Nhận xét
Đăng nhận xét